Doanh nhân Việt cạnh tranh thế nào trong kỉ nguyên số?
Những thông tin đáng chú ý trên được các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách trao đổi tại tọa đàm “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và Cách mạng công nghiệp 4.0” ngày 29/9 do Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức.
Theo thống kê của VCCI, tính dến cuối năm 2021, Việt Nam đã có gần 860 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 15,3 nghìn hợp tác xã phi nông nghiệp và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh (trong đó khoảng 1,6 triệu hộ có mã số thuế). Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã lên đến hàng triệu người.
TS. Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng CIEM cho biết: Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để quản lý doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, xây dựng doanh nghiệp có thương hiệu tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.
Những năm qua, lực lượng doanh nghiệp của Việt Nam phát triển nhanh với tốc độ trung bình đạt 7,4%/năm. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng có vai trò quan trọng của nền kinh tế, đóng góp chính cho ngân sách nhà nước và trở thành lực lượng đầu tàu lôi kéo đoàn tàu doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của các doanh nghiệp là sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân. Việt Nam đang có khoảng 7 triệu doanh nhân, tăng 250% so với năm 2013, trong đó có nhiều doanh nhân lớn gắn liền với những thương hiệu và giá trị doanh nghiệp được định vị trên thị trường quốc tế.
Hiện nay, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đang chịu tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0. Sự phát triển của công nghệ hoàn toàn mới với các công nghệ kỹ thuật số, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… đã làm thay đổi doanh nghiệp theo hướng chuyển đổi số toàn diện, sử dụng hàm lượng công nghệ và chất xám nhiều hơn để cải tiến phương thức kinh doanh, tối ưu hóa quy trình sản xuất và phong cách làm việc mang đậm tính toàn cầu.
TS. Nguyễn Hoa Cương cho rằng, sự bùng nổ của kỷ nguyên số trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo những cơ hội đầu tư hấp dẫn, thổi bùng tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần hình thành thế hệ doanh nhân mới trẻ tuổi và đam mê kinh doanh. Với 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, Việt Nam đang trở thành quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp startup cao nhất Đông Nam Á.
Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với những đòi hỏi rất cao mang đến nhiều thách thức cho trong bối cảnh doanh nghiệp còn hạn chế về trình độ khoa học công nghệ, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển chưa tương xứng và phụ thuộc vào khu vực công; mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ chưa cao; thiếu nhân lực chất lượng cao. Trong đó, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn do hạn chế về vốn, quy mô…
TS. Trần Thị Hoa Thơm - trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) chỉ ra những thách thức từ hệ thống pháp luật, cơ chế chồng chéo, thiếu ổn định và đồng bộ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp; mâu thuẫn của mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa như mâu thuẫn giữa quan điểm hội nhập để phát triển nguồn lực bên ngoài với tư duy vốn trong nước đóng vai trò chủ đạo khiến cho nhiều cơ hội mời gọi các nhà đầu tư gốc hay tiếp cận vốn bên ngoài bị bỏ qua…
Phân tích những hạn chế của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và Cách mạng công nghiệp 4.0, TS. Đỗ Diệu Hương - Viện Kinh tế Việt Nam, chi rõ những tồn tại như: năng lực của đội ngũ doanh nhân là vẫn giữ thói quen quản lý cũ, chưa được đào tạo bài bản, kỹ năng quản trị yếu, nhất là kỹ năng quản trị theo hướng hiện đại, sự am hiểu về pháp luật và khả năng hội nhập quốc tế hạn chế.
“Cơ chế chính sách của Nhà nước về hỗ trợ và khuyến khích phát triển cho doanh nghiệp, doanh nhân đã được ban hành xong còn chưa sát với điều kiện thực tế, chưa khuyến khích được doanh nghiệp, doanh nhân tham gia; chưa xây dựng được văn hóa doanh nhân nên còn tình trạng doanh nghiệp chưa tuân thủ pháp luật, làm ăn phi pháp, tính liên kết trong cộng đồng doanh nghiệp chưa cao, ý thức xã hội còn hạn chế", bà Hương chỉ rõ.
Để đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân vươn ra biển lớn
Với quan điểm, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định thực hiện mục tiêu chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, TS. Nguyễn Hoa Cương cho rằng cần có giải pháp hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và đề xuất 3 nhóm giải pháp hỗ trợ chính.
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, tối ưu hóa nguồn nhân lực, xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu cơ giữa khu vực doanh nghiệp, tổ chức đào tạo, tổ chức giáo dục nghề nghiệp và nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội; doanh nghiệp có chiến lược phát triển nguồn nhân lực, tổ chức đào tạo tại chỗ, trang bị kỹ năng số, ngoại ngữ…
Thứ hai, thay đổi cách thức quản trị doanh nghiệp bằng cách áp dụng phần mềm quản trị, tạo giá trị gia tăng bằng chất lượng, hiệu suất, quy trình.
Thứ ba, thay đổi văn hóa doanh nghiệp phù hợp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh với 2 nội hàm chính: doanh nhân kỷ nguyên số sở hữu tầm nhìn về công nghệ, chuyển đổi môi trường doanh nghiệp theo mô hình gắn liền với công nghệ, số hóa đem lại lợi ích cho doanh nghiệp; doanh nhân xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn với không ngừng đổi mới sáng tạo trong công việc, ứng dụng công nghệ mới tạo năng suất lao động cao và hiệu quả.
Để phát triển đội ngũ doanh nhân trong thời đại mới, TS. Trần Thị Hoa Thơm đề xuất một số giải pháp: Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân; xây dựng văn hóa doanh nhân Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc; phát huy vai trò các tổ chức đại diện của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân; thực hiện tốt chính sách tôn vinh những doanh nhân giỏi, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát huy tính tích cực, chủ động, tự phát triển của doanh nhân..
TS. Đỗ Diệu Hương đề cao đến văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Trong đó, cần giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích để bảo đảm tính hiệu quả, bền vững của liên kết “5 nhà” trong quá trình phát triển.
“Cần khuyến khích, hỗ trợ doanh nhân đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng “công nghệ xanh”, đổi mới sản phẩm dịch vụ và tăng cường liên kết doanh nghiệp, chú trọng xây dựng, tôn vinh, quảng bá, khẳng định giá trị hàng hóa và thương hiệu Việt Nam", bà Hương góp ý.