Đổi mới tạo đà cho những bứt phá
Nhiều chuyển biến tích cực sau cơ cấu lại
Thực hiện quyết định phê duyệt của Thống đốc NHNN, Agribank đã triển khai thực hiện thành công Phương án tái cơ cấu giai đoạn 2013-2015 và Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Sau cơ cấu lại 2 giai đoạn trên, Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết, hoạt động kinh doanh của Agribank đã có nhiều chuyển biến tích cực, hoàn thành toàn diện các mục tiêu quan trọng của phương án, đặc biệt trong giai đoạn 2016-2020. Nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 2%, về đích trước thời hạn 2 năm (đến tháng 12/2018 đã hoàn thành mục tiêu); Thu nợ sau xử lý bình quân hơn 11.300 tỷ đồng/năm. Đến cuối năm 2019 Agribank đã hoàn thành việc mua lại trước thời hạn toàn bộ các khoản nợ đã bán cho VAMC để tự xử lý. Giai đoạn 2016-2020, Agribank đã xử lý thu hồi nợ xấu hơn 144.600 tỷ đồng, trung bình gần 29.000 tỷ đồng/năm; xử lý thu hồi nợ xấu theo Nghị quyết số 42 từ 15/8/2017 đến 31/12/2020 đạt hơn 134.000 tỷ đồng.
Sau hai giai đoạn cơ cấu lại, Agribank tiếp tục củng cố, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh |
So với năm 2016, tổng tài sản của Agribank đạt trên 1,56 triệu tỷ đồng, tăng 1,5 lần; Nguồn vốn 1,45 triệu tỷ đồng, tăng 1,6 lần; Dư nợ 1,21 triệu tỷ đồng, tăng 1,6 lần. Lợi nhuận trước thuế 12.9 ngàn tỷ đồng, tăng 3 lần, bình quân 12,4%/năm; nộp ngân sách Nhà nước hơn 6.620 ngàn tỷ đồng, tăng 8 lần. Năng suất lao động đã cải thiện rõ rệt.
Có thể nói, kết thúc 2 giai đoạn cơ cấu lại, hoạt động kinh doanh của Agribank được mở rộng và nâng cao chất lượng; chuyển đổi thành công mô hình kinh doanh từ lệ thuộc hoạt động tín dụng sang mô hình kinh doanh đa dịch vụ; tổ chức, mạng lưới, nhân sự, công tác quản trị điều hành, kiểm tra, giám sát từng bước được kiện toàn, sắp xếp lại, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; khả năng tài chính được cải thiện, các tỷ lệ an toàn hoạt động tuân thủ quy định của NHNN; uy tín và thương hiệu của Agribank từng bước được củng cố và nâng cao. Bên cạnh đó, Agribank đã được Moody’s công bố xếp hạng ở mức Ba3- bằng mức tín nhiệm quốc gia và là mức cao Việt Nam có thể đạt được. The Banker xếp Agribank đứng thứ 142 tại châu Á. Ngoài ra, Agribank đã được trao tặng Giải thưởng sao Khuê; giải thưởng “Ngân hàng tốt nhất Đông Nam Á đầu tư phát triển nông thôn”.
Trên cơ sở phát huy kết quả đạt được qua 2 giai đoạn cơ cấu lại, Agribank tiếp tục củng cố, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh giai đoạn 2021-2023. Lợi nhuận hàng năm đều tăng trưởng, hoàn thành kế hoạch nộp lợi nhuận vào NSNN (là 17.249 tỷ đồng) để đảm bảo tăng vốn điều lệ theo phương án được phê duyệt. Tổng tài sản đạt 2,04 triệu tỷ đồng đứng thứ 2 trong hệ thống các NHTM, tăng bình quân 8,71%/năm; các tỷ lệ an toàn hoạt động được đảm bảo.
Tạo điều kiện cơ chế cho ngân hàng cơ cấu lại
Bên cạnh kết quả đạt được, Agribank đánh giá vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục giải quyết trong giai đoạn tiếp theo. Nhất là trong giai đoạn 2021-2025, phát sinh một số vấn đề Agribank rất khó thực hiện trong quá trình cơ cấu lại.
Do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và nhiều nguyên nhân khách quan khác, kinh tế thế giới và trong nước vẫn chưa phục hồi dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng, thu nhập của doanh nghiệp, người dân đều giảm sút, suy giảm khả năng trả nợ, nợ xấu, nợ cơ cấu, nợ nhóm 2 của các TCTD và Agribank có xu hướng tăng. Tỷ lệ nợ xấu của Agribank theo Quyết định số 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” và văn bản 9592/NHNN-TTGSNH ngày 15/12/2023 của NHNN đến cuối năm 2023 cao hơn mục tiêu.
Bên cạnh đó, các khoản nợ cơ cấu theo Thông tư 02 sẽ hết hiệu lực vào tháng 6/2024, đồng thời tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các NHTM đã bị thu hẹp đáng kể trong năm 2023 khiến dư địa xử lý nợ xấu không còn nhiều. Cơ chế xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 mặc dù đã được Quốc hội chấp thuận kéo dài đến 31/12/2023 nhưng nhiều vướng mắc vẫn chưa được giải quyết triệt để. Hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu sắp tới sẽ có khoảng trống do Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đã hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023 trong khi Dự thảo sửa đổi Luật Các TCTD (có bao gồm nhiều nội dung của Nghị quyết 42) chưa trình Quốc hội thông qua.
Công tác chuẩn bị cổ phần hóa đã được Agribank chủ động, tích cực thực hiện; tuy nhiên, do đặc thù về quy mô và nguồn gốc hình thành tài sản, mạng lưới, con người và hoạt động kinh doanh nên quá trình chuẩn bị cổ phần hóa còn nhiều khó khăn, vướng mắc; việc phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất còn chậm, đến nay vẫn còn 29 cơ sở nhà, đất chưa được Bộ Tài chính phê duyệt.
Về vấn đề vốn điều lệ, tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022, mục tiêu đối với Agribank là triển khai áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, giai đoạn 2022 - 2023 tăng vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước. Giai đoạn 2024 - 2025 đặt mục tiêu chung đối với các NHTM Nhà nước tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn hệ thống, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong những năm qua quy mô vốn điều lệ của Agribank thấp và tăng trưởng chậm hơn so với tốc độ tăng quy mô hoạt động kinh doanh, tốc độ tăng trưởng tổng tài sản và yêu cầu nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II. Đến 31/12/2023, CAR riêng lẻ của Agribank đạt trên 9%. Tuy nhiên, nếu tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt 10%, dự kiến CAR cuối năm 2024 chỉ còn khoảng 8,7-8,9%.
Căn cứ phê duyệt của Thống đốc NHNN, Agribank quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu tại Phương án cơ cấu lại, trở thành ngân hàng thương mại hiện đại, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, một số mục tiêu còn phụ thuộc vào cơ chế, chính sách của Nhà nước, Chính phủ, NHNN và các bộ, ngành liên quan. Để tạo điều kiện giúp Agribank triển khai thực hiện thành công Phương án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025, ngân hàng đề nghị NHNN trình Chính phủ báo cáo Quốc hội cấp bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận thực nộp hàng năm của Agribank, tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm, bắt đầu từ năm 2025.
Đối với công tác xử lý nợ xấu, ông Phạm Toàn Vượng đề nghị các bộ, ngành xem xét xử lý các vướng mắc phát sinh, tiếp tục vào cuộc quyết liệt hơn nữa, hỗ trợ các TCTD thực hiện đồng bộ các giải pháp về xử lý nợ xấu của toàn Ngành nói chung và Agribank nói riêng; xem xét tiếp tục kéo dài thời hạn cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02; đồng thời báo cáo để Chính phủ trình Quốc hội xem xét gia hạn thời gian thực hiện Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đến khi Luật Các TCTD (sửa đổi) được thông qua.
Để thực hiện cổ phần hóa Agribank, lãnh đạo Agribank đề xuất NHNN báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có giải pháp xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của Agribank (hiện còn 29 cơ sở nhà, đất chưa được phê duyệt). Đồng thời trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi cơ chế, chính sách liên quan đến điều kiện thực hiện cổ phần hóa, cho phép thực hiện các thủ tục cổ phần hóa Agribank song song với quá trình phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của Agribank. “Trường hợp đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp mà vẫn còn những cơ sở nhà, đất chưa được phê duyệt thì Nhà nước cần có giải pháp để xử lý dứt điểm các cơ sở nhà, đất này”, ông Vượng đề xuất thêm.
Liên quan đến mạng lưới hoạt động, theo chia sẻ của ông Vượng, hiện nay, NHNN đã dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 21/2013/TT-NHNN và đang lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành. Dự thảo đã bổ sung một số nội dung tháo gỡ vướng mắc cho các NHTM. Đối với những điểm mới tại dự thảo thay thế Thông tư 21, Agribank sẽ có nhiều thuận lợi trong công tác cơ cấu lại mạng lưới, một trong những phương án thành phần trọng tâm tại Phương án cơ cấu lại Agribank gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 đã được NHNN phê duyệt tại Quyết định số 2526/QĐ-NHNN ngày 29/12/2023. Vì vậy, Agribank đề nghị NHNN sớm ban hành thông tư thay thế Thông tư 21.