Dồn vốn cho kinh doanh cuối năm
Thúc đẩy tín dụng cho sản xuất kinh doanh cuối năm Vốn rẻ dồi dào tiếp sức doanh nghiệp mùa kinh doanh cuối năm |
Cho vay nhanh, giải ngân linh hoạt
Đây là thời điểm các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa phục vụ nhu cầu cho mùa Noel, chào năm mới 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ có nhu cầu vốn rất cao, vì thế ngân hàng cũng thiết kế ra nhiều sản phẩm tín dụng phù hợp với từng nhóm khách hàng.
Đơn cử, MB đang có gói tín dụng phục vụ cho các cá nhân, tiểu thương, hộ kinh doanh vay vốn với lãi suất từ 6,5%/năm, hạn mức cho vay lên đến 90% tài sản đảm bảo. BVBank cho vay bổ sung vốn lưu động hạn mức vay vốn lên đến 80% giá trị tài sản đảm bảo, bên vay có thể chọn trả góp và lãi định kỳ theo tháng hoặc 6 tháng phụ thuộc vào dòng tiền của đơn vị kinh doanh. BacA Bank đang áp dụng chương trình cho vay bổ sung vốn kinh doanh cho các đơn vị phát triển các sản phẩm nông nghiệp với hạn mức vay lên đến 10 tỷ đồng/đơn vị. Thời gian duy trì hạn mức tín dụng và ân hạn nợ gốc tối đa lần lượt là 36 tháng và 12 tháng, quy trình xử lý hồ sơ, giấy tờ đơn giản, linh hoạt phương thức trả nợ gốc lãi phù hợp với dòng tiền và khả năng thanh toán của khách hàng… Sacombank có gói tín dụng cho vay ngắn hạn với quy mô 15.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp nhằm kích cầu kinh tế trong quý cuối năm 2024. Với lãi suất ưu đãi chỉ từ 4,5% và khách hàng cá nhân chỉ từ 5,5% khi vay sản xuất kinh doanh, áp dụng cho kỳ hạn vay tối đa 3 tháng.
Lãi suất ổn định hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn kinh doanh cuối năm |
Hầu hết các gói cho vay và chương trình tín dụng phục vụ mùa kinh doanh cuối năm đều được thiết kế tương đồng nhau. Nhìn chung lãi suất cho vay ngắn hạn dao động từ 4,5-6,5%/năm kỳ hạn ngắn, lãi suất trung dài hạn dưới 9%/năm; hạn mức cho vay dựa trên giá trị tài sản đảm bảo hoặc mức độ ngân hàng kiểm soát dòng tiền. Sự khác biệt tạo sức cạnh tranh của mỗi ngân hàng nằm ở khâu cung cấp dịch vụ, chăm sóc khách hàng, tài sản đảm bảo có quy định theo chuẩn chung.
Cuối năm là thời điểm kinh doanh thời vụ nên nhu cầu vốn chủ yếu là vốn lưu động để thanh toán nguồn nguyên liệu, nhập hàng hóa về phân phối, bán lẻ. Nắm bắt được nhu cầu vốn ngắn hạn, các ngân hàng hiện nay áp dụng số hóa để xét duyệt khoản vay. Chẳng hạn, đối với các hộ kinh doanh cá thể, MB cung cấp lắp đặt máy thu hộ tiền cho các đơn vị bán hàng, qua đó theo dõi được dòng tiền hàng tháng để cấp tín dụng trên doanh số của dòng tiền. Tương tự, Standard Chartered Bank dựa vào doanh thu theo tháng của các cá nhân kinh doanh để ra quyết định cho vay nhanh chóng; VPBank theo dõi đơn hàng của các chủ shop kinh doanh online để cấp tín dụng dựa trên doanh số bán hàng. HDBank cho biết chỉ cần có một tờ lệnh nhập hàng của một chuỗi bán lẻ ngân hàng ngay lập tức cấp tín dụng cho một đơn vị sản xuất hàng hóa như nông sản, thủy sản. Một số ngân hàng còn thông qua ứng dụng ngân hàng số để quản lý dòng tiền và lấy làm căn cứ cấp tín dụng.
Ổn định lãi suất
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, các chỉ số kinh tế 9 tháng 2024 cho thấy môi trường kinh doanh đang phục hồi tích cực là điều kiện thuận lợi để hấp thụ vốn tín dụng. NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã và đang tổ chức liên tiếp các hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp theo 3 chuyên đề, bao gồm: kết nối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; kết nối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp và tới đây là kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo số liệu thống kê, Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh đầu năm nay có 17 TCTD đăng ký một gói tín dụng trị giá 509.864 tỷ đồng, đến hết tháng 9/2024 đã giải ngân được 490.138 tỷ đồng cho 153.151 khách hàng, đạt 96,13% tổng số gói tín dụng các TCTD đã đăng ký từ đầu năm và bằng 77% tổng số tiền đã thực hiện năm 2023.
Ông Nguyễn Đức Lệnh cũng thông tin, tổng huy động vốn của các TCTD trên địa bàn đến cuối tháng 9/2024 tăng trưởng 7,76% so với cuối năm 2023 và tăng 13,2% so với cùng kỳ.
Nguồn vốn huy động tăng trưởng tích cực không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để các TCTD trên địa bàn đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cuối năm của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn; mà còn giúp các TCTD giữ ổn định lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Heng Koon How, Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu cũng thông tin, Ngân hàng UOB nhận định, NHNN Việt Nam sẽ giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong đó lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5%/năm đến hết năm để tạo điều kiện cho thị trường tăng trưởng cho vay.
Có chung nhận định như vậy, trong báo cáo mới đây, Ngân hàng HSBC cho biết, NHNN sẽ giữ lãi suất điều hành ở mức 4,5%/năm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.