Dòng chảy tín dụng nông nghiệp tăng mạnh
Nhiều chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp khép kín của DN tiếp cận được hàng trăm tỷ đồng vốn vay |
Nhiều gói vay phát huy hiệu quả
Ông Trần Quốc Hà - Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Cần Thơ cho biết, trong thời gian vừa qua, với việc tập trung đẩy mạnh các chương trình tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp – nông thôn, hệ thống các TCTD trên địa bàn Cần Thơ đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong việc tài trợ vốn vào các lĩnh vực có thế mạnh của địa phương như lúa gạo, thủy sản và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Cụ thể, ngay từ đầu năm theo chỉ đạo của NHNN, các NHTM trên địa bàn Cần Thơ đã cân đối nguồn vốn để cho các DN xuất khẩu gạo vay 850 tỷ đồng thu mua tạm trữ lúa vụ đông xuân. Tính chung đến cuối tháng 7/2019, trên địa bàn Cần Thơ, các NHTM đã cho vay hơn 28.700 tỷ đồng vào lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn; trong đó cho vay lúa gạo đạt trên 7.500 tỷ đồng, cho vay nuôi trồng chế biến thủy sản đạt 7.600 tỷ đồng, cho vay các hợp tác xã nông nghiệp 50,5 tỷ đồng, cho vay xây dựng nông thôn mới gần 6.300 tỷ đồng…
Ở từng đơn vị NHTM, hầu hết các gói vay, chương trình cho vay ưu đãi đều được chủ động đẩy mạnh. Với Agribank, ông Lê Xuân Trung - Phó Tổng giám đốc cho biết, đến thời điểm cuối tháng 7/2019, hệ thống Agribank tại 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã cho vay khoảng 151.000 tỷ đồng vào lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn ở tất cả các địa phương. Ngân hàng này chủ động đặt ra mức hỗ trợ lãi suất từ 1-1,5%/năm đối với các DN thực hiện liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp nên đã hỗ trợ được hàng trăm mô hình sản xuất tiếp cận vốn rẻ với dư nợ hàng ngàn tỷ đồng.
Ở các ngân hàng khác như BIDV, Vietcombank, VietinBank, HDBank… tình hình cũng diễn ra tương tự. Đại diện BIDV cho biết, đến hết quý II/2019 dư nợ toàn hệ thống ngân hàng này tại khu vực ĐBSCL đạt mức trên 84.500 tỷ đồng. Với 6 gói vay ưu đãi lãi suất cho nhóm DN khởi nghiệp và DN nhỏ, hệ thống BIDV đã dành ra khoảng 133.000 tỷ đồng để cho vay vào các lĩnh vực có thế mạnh của khu vực ĐBSCL. Dư nợ lũy kế cho vay các gói tín dụng này đến giữa năm 2019 đạt khoảng 114.000 tỷ đồng.
Tại Vietcombank cũng có khoảng 13.000 tỷ đồng được các chi nhánh ngân hàng giải ngân cho khối DNNVV (chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản). Trong khi đó, HDBank, ACB mỗi đơn vị cũng đã cung ứng cho lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn khu vực ĐBSCL khoảng 10.000 tỷ đồng thông qua các gói vay ưu đãi lãi suất.
Hoàn thiện chuỗi để thông dòng tiền
Theo ông Nguyễn Hoàng Dũng - Phó Tổng giám đốc VietinBank, hiện nay hệ thống VietinBank đang triển khai hàng loạt các sản phẩm cấp tín dụng theo chuỗi liên kết tại khu vực ĐBSCL. Ngân hàng đã chủ động chỉ đạo các chi nhánh thiết kế các gói sản phẩm theo từng đối tượng khách hàng, đồng thời phân công nhân sự am hiểu về các lĩnh vực sản xuất – xuất khẩu nông – thủy sản để theo dõi, kết nối sâu, rộng với cộng đồng DN, cùng tháo gỡ những nút thắt khi tiếp cận vốn.
Tuy nhiên, hiện nay về phía các DN, nút thắt cơ bản nhất vẫn ở chỗ chưa nhiều đơn vị tạo dựng được các liên kết chuỗi giá trị khép kín, nên việc gia tăng hạn mức tín dụng vay theo hình thức tín chấp, quản lý dòng tiền vẫn chưa nhiều. Vì vậy trong thời gian tới, bản thân các DN phải chủ động khắc phục những khó khăn nội tại, tập trung vào các nhóm sản phẩm cốt lõi, hoàn thiện những mô hình liên kết với vùng nguyên liệu và tham gia vào trong chuỗi sản xuất cung ứng mang tính quốc tế.
Trong khi đó, ông Lê Xuân Trung – Phó tổng giám đốc Agribank cũng cho rằng, hiện nay các chi nhánh của ngân hàng này đã giảm 1-1,5% lãi suất cho các DN có dự án liên kết chuỗi với hợp tác xã và nông dân. Tuy nhiên vai trò của DN và HTX tại các vùng nông nghiệp trọng điểm vẫn còn yếu và hợp đồng liên kết vẫn thiếu chặt chẽ, dẫn tới tình trạng phá vỡ cam kết, không ổn định được sản lượng và doanh thu từ xuất khẩu.
Để đẩy mạnh cung ứng vốn cho các DN, dự án lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, hầu hết các NHTM đều cho rằng, các nút thắt quan trọng về: quy hoạch vùng nguyên liệu, về tài sản đảm bảo và các hỗ trợ hình thành chuỗi liên kết 3 nhà, 4 nhà cần được các địa phương đẩy mạnh.
Theo đó, tùy vào từng địa phương cần đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế nông nghiệp để xác định các nhóm ngành, lĩnh vực chủ lực, phát triển các DN đầu tàu xây dựng các chuỗi liên kết quy mô cấp huyện, cấp tỉnh.
Đối với vấn đề tài sản đảm bảo vay vốn, các địa phương cũng cần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ban hành các quy định hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về giá trị đất nông nghiệp mà DN thuê có kỳ hạn để các NHTM có căn cứ định giá khi làm thủ tục cho vay.
Ngoài ra, các địa phương nằm trong chương trình hỗ trợ phát triển bảo hiểm nông nghiệp cũng cần đẩy mạnh thực hiện các thủ tục giải ngân vốn cấp bù lãi suất để các DN, dự án lớn có thể hoàn thiện hồ sơ tham gia bảo hiểm nông nghiệp ở các lĩnh vực cần nhiều vốn vay như nuôi tôm, nuôi cá tra, chế biến sâu các sản phẩm từ lúa gạo… Từ đó, tạo điểm tựa cho các NHTM mạnh dạn đưa tăng thêm hạn mức tín dụng cho các mô hình hiệu quả.