Đóng cửa, nhưng “máu rừng” vẫn chảy
Bảo vệ và phát triển rừng
Giữa năm 2016, chúng ta đã tổ chức hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 tổ chức tại Đăk Lăk do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chủ trì. Hội nghị có nhiều bộ, ngành địa phương tham dự để bàn về việc bảo vệ và phát triển rừng ở Tây Nguyên.
Phá rừng tại Gia Lai |
Tại đây, nhiều đại biểu khẳng định, bảo vệ và phát triển rừng ở Tây Nguyên là vấn đề đặc biệt quan trọng. Bởi rừng Tây Nguyên có vai trò chi phối lớn đến nguồn nước, môi trường sinh thái và phát triển kinh tế, xã hội của khu vực Nam Trung bộ, Đông Nam bộ. Tài Nguyên rừng còn gắn với không gian văn hóa, sinh tồn của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Tuy nhiên, thời gian qua, điều đáng lo ngại là diện tích, chất lượng rừng khu vực này tiếp tục suy giảm nghiêm trọng. Tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép liên tục xảy ra. Một số hành vi vi phạm chủ yếu là phá rừng trái phép; lấn chiếm rừng và đất rừng trái phép; khai thác gỗ và lâm sản trái pháp luật. Trọng điểm khai thác gỗ trái phép tập trung chủ yếu tại các khu vực còn nhiều rừng tự nhiên, khu vực biên giới, khu vực giáp ranh và các rừng đặc dụng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tình trạng phá rừng ở Tây Nguyên ở mức nghiêm trọng và yêu cầu đưa vấn đề bảo vệ, phát triển rừng lên tầm cao mới trong trong nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp. Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển 2,25 triệu hecta từng tự nhiên còn lại sang mục đích khác kể cả các dự án được phê duyệt, trừ các dự án liên quan đến quốc phòng, an ninh. Không có chủ trương chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp…
Địa phương buông lỏng quản lý
Trước yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương đã quyết liệt vào cuộc triển khai các giải pháp bảo vệ rừng. Thế nhưng, tại một số địa phương khu vực Tây Nguyên đến nay vẫn còn diễn ra tình trạng phá rừng trái phép. Có thể nói, vì lợi ích trước mắt nhiều đối tượng đã bất chấp pháp luật, thậm chí chống đối người thi hành công vụ.
Đơn cử tại Gia Lai, rừng già tại xã Lơ Pang, huyện Mang Yang (Gia Lai) mới đây đã bị các đối tượng đột nhập khai thác trái phép trong suốt một thời gian dài, nhưng các cơ quan chức năng không hề hay biết…
Tại thực địa cho thấy, dọc hai bên con đường mòn đi sâu vào rừng, hàng chục cây gỗ lớn to, cỡ vài người ôm, đã bị lâm tặc ngang nhiên đốn hạ, lấy đi phần gỗ, còn trơ trọi các gốc cây nham nhở. Cá biệt, trong số nhiều cây bị đốn hạ, có cây có đường kính trên 1 mét. Nhiều gốc cây lâm tặc chỉ mới mới vừa đốn hạ, khi vỏ cây, lá cây, những vết gãy đổ của nhưng cây bên cạnh còn tươi rói.
Chưa hết, dọc hai bên đường mòn nhiều phách gỗ lớn vẫn còn ngổn ngang, khi lâm tặc chưa kịp chuyển đi. Những phách gỗ này ước tính đường kính cây khá lớn từ trên 1 mét. Chỉ tính riêng tại khu vực này, số gỗ lâm tặc đã đốn hạ và lấy đi hàng chục mét khối gỗ.
Theo người dân địa phương, xã Lơ Pang từ lâu đã được đánh giá là một điểm nóng trong việc phá rừng. Hầu hết các hoạt động khai thác và vận chuyển gỗ trái phép đều diễn ra ban ngày. Thậm chí, nhiều bãi tập kết gỗ ngang nhiên ở ngoài bìa rừng như chỗ không người. Vậy câu hỏi đặt ra, lực lượng chức năng như lực lượng kiểm lâm Mang Yang, chính quyền địa phương từ xã đến huyện đang ở đâu, khi để các đối tượng lâm tặc ngang nhiên phá rừng?
Trước tình trạng phá rừng “nóng lên” trên địa bàn huyện Mang Yang, UBND tỉnh này vừa có có văn bản số 2862/UBND-NL về việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng; thông tin kết quả kiểm tra tình trạng khai thác rừng trái phép tại xã Lơ Pang, huyện Mang Yang.
Theo đó, sau khi nhận được văn bản báo cáo của UBND huyện Mang Yang và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu 2 đơn vị này chỉ đạo các lực lượng chức năng và chủ rừng tiếp tục tổ chức tuần tra, truy quét để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ khai thác rừng trái phép xảy ra trên địa bàn.
Công văn cũng nêu rõ UBND huyện Mang Yang phải tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan do không làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, để xảy ra tình trạng khai thác rừng trái phép. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể tại Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang…
Thực tế cho thấy, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đóng cửa rừng, tuy nhiên nhiều đối tượng bất chấp những quy định của pháp lý, vẫn ngang nhiên phá rừng. Có thể nói, việc để lâm tặc ngang nhiên phá rừng là trách nhiệm chính của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
Vì không làm tròn trách nhiệm, buông lỏng quản lý, do đó, cần phải xử lý nghiêm; nếu nghiêm trọng cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân, đơn vị, chính quyền địa phương đã để xảy ra tình trạng phá rừng trên địa bàn quản lý. Có như thế mới mong các cá nhân, đơn vị được giao nhiệm vụ làm tròn trọng trách được giao.