Động lực phát triển kinh tế tư nhân
Nhân tố thúc đẩy tăng trưởng bền vững
Khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp 40% GDP của nền kinh tế và tỷ lệ này đang tiếp tục gia tăng. Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đề ra mục tiêu khu vực kinh tế tư nhân trong nước sẽ đóng góp 50% GDP vào năm 2020, 55% vào năm 2025 và 60-65% vào năm 2030 - cho thấy sự đánh giá ngày càng cao đối với vai trò của lực lượng này và kỳ vọng đây sẽ là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng bền vững của kinh tế Việt Nam.
Đi cùng kỳ vọng nói trên, nhiều cải cách nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển cũng được triển khai. Các giải pháp thị trường, đặc biệt là mở rộng thị trường ngoài nước thông qua các FTA, đã thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khiến số lượng doanh nghiệp tăng nhanh. Từ nền kinh tế cách đây 20 năm chỉ có xấp xỉ hơn 50 ngàn doanh nghiệp thì hiện nay Việt Nam đang tiến đến mốc có đến 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Những chuyển động trong sản xuất kinh doanh đã thúc đẩy kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao, bình quân 6,6% trong giai đoạn 2012-2018, trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Từ một nền kinh tế đóng kín thì hiện nay Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới (tỷ trọng xuất nhập khẩu hơn gấp đôi GDP). Kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên đã đạt ngưỡng 500 tỷ USD trong năm 2019.
Ở thời điểm này, nền kinh tế ghi nhận lực đẩy cải cách từ khu vực tư nhân rất mạnh mẽ. Khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam đang là “cỗ máy tạo việc làm” lớn nhất trong nền kinh tế, gánh vác trọng trách chuyển dịch lực lượng lao động từ khu vực nông nghiệp năng suất thấp sang khu vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ có năng suất lao động cao hơn.
Đằng sau bước phát triển đó, một trong những động lực quan trọng là môi trường kinh doanh được cải thiện. Trong báo cáo Doing Business 2020 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Việt Nam xếp hạng 70/190 quốc gia và đạt điểm số 69,8 điểm. Đây là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam tăng điểm theo đánh giá của WB. Có 6/10 chỉ số thành phần Việt Nam cải thiện điểm số trong năm nay.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm nay cũng đánh giá Việt Nam tăng 3,5 điểm và tăng 10 bậc trong bảng xếp hạng, là quốc gia đứng đầu thế giới về mức tăng điểm số của Chỉ số Năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam so với các nước trong khu vực |
Tiếp tục tháo gỡ rào cản
Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Tháo gỡ các rào cản này chính là những giải pháp quan trọng thúc đẩy sự phát triển năng động, lành mạnh của khu vực kinh tế tư nhân.
Điều tra doanh nghiệp trong hai năm 2017 và 2018 của VCCI vừa qua cho thấy hiện tượng “tham nhũng vặt” - chi phí bôi trơn nhỏ mà doanh nghiệp phải chi trả để xin cấp các loại giấy phép - đã giảm so với thời kỳ trước. Chẳng hạn điều tra 10.000 doanh nghiệp năm 2018 vừa qua cho thấy 55% doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức, đây là con số tỷ lệ thấp nhất trong 5 năm trở lại đây (năm 2015 tỷ lệ là 66,3%).
Có được điều này là nhờ các nỗ lực lớn, bền bỉ của Chính phủ trong việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin, chấn chỉnh đạo đức công vụ…
Tuy nhiên, thẳng thắn thừa nhận rằng hiện nay cứ trong 10 doanh nghiệp thì vẫn có đến 5,5 doanh nghiệp đang chi trả chi phí không chính thức, gần 6 doanh nghiệp cho biết hiện tượng nhũng nhiễu vẫn đang phổ biến. Đây là tỷ lệ còn quá cao và chúng ta không thể mặc nhiên chấp nhận điều này. Cần phải có nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa để giảm thiểu tiến tới xoá bỏ nó.
Nhũng nhiễu có nguyên nhân rất quan trọng từ chất lượng chưa đảm bảo của quy định pháp luật. Khi nào mà còn có sự chồng chéo của đạo luật này so với đạo luật khác, khi nào câu chữ trong các văn bản pháp luật còn mơ hồ, đặt ra yêu cầu xin - cho nhưng không hề đi kèm với quy trình thủ tục thì ở đó còn có không gian cho sự nhũng nhiễu. Thời gian tới cần có chương trình tổng rà soát các quy định pháp luật đặc biệt là đạo luật, quy định liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh như đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường… Chính phủ cần đặt hàng cho các tổ chức độc lập bên ngoài, các hiệp hội, các chuyên gia chủ trì quá trình rà soát chứ không phải là chính bản thân các cơ quan nhà nước như thời gian vừa qua.
Để trị nạn nhũng nhiễu thì sửa luật cũng chưa đủ mà một yếu tố rất quan trọng nữa là cần cải cách và thay đổi quy trình thủ tục hành chính hiện nay. Quy trình thủ tục hành chính chưa rõ ràng ở nhiều lĩnh vực là căn nguyên tạo ra sự nhũng nhiễu và tham nhũng vặt.
Ví dụ, trong lĩnh vực tư pháp, quy trình thủ tục hành chính tại toà án đang là rào cản để doanh nghiệp và người dân tăng cường sử dụng toà án. Cách đây 2 năm, bằng việc mô tả lại hành trình trên thực tế của doanh nghiệp trong một vài vụ kiện kinh tế, thương mại điển hình, một nghiên cứu của VCCI thấy rằng nguy cơ tham nhũng, sự phiền hà nhũng nhiễu… đến từ chính thủ tục hành chính của toà án. Quy trình hành chính chưa rõ ràng đang tạo ra vô vàn cách để cán bộ toà án trì hoãn, kéo dài các vụ việc xét xử.
Khi quy trình dễ bị lạm dụng để gây khó khăn, giải quyết một tranh chấp kinh tế đơn giản tại toà án mà mất đến 3-5 năm, làm sao mà nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư, doanh nghiệp có thể yên tâm đổi mới sáng tạo, giao kết hợp đồng được? Chính vì vậy, để giảm nhũng nhiễu, cần cải cách là quy trình thủ tục. Một quy trình thủ tục tốt cần rõ bước, rõ cơ quan chịu trách nhiệm, rõ thẩm quyền và rõ thời gian.
Bên cạnh đó cần cải cách công tác thanh tra, kiểm tra. Theo đó cần áp dụng triệt để quản lý rủi ro trong việc lựa chọn đối tượng bị thanh tra, kiểm tra, nhằm tránh tùy tiện. Hiện nay, theo quan sát của các doanh nghiệp, việc cơ quan có thẩm quyền lựa chọn đến kiểm tra đơn vị này mà không kiểm tra đơn vị khác tương đối thiếu minh bạch. Nhiều trường hợp đối tượng được lựa chọn kiểm tra vì lý do “tiện đường”, hay lý do cá nhân, thậm chí nhằm mục đích nhũng nhiễu. Có tình trạng doanh nghiệp quy mô càng lớn thì càng bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều, tạo ra động lực lệch lạc trong phát triển doanh nghiệp. Để khắc phục được điều này cần áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro rộng rãi hơn.
Theo đó, đối tượng được lựa chọn để thanh tra, kiểm tra dựa trên mức độ rủi ro vi phạm của đối tượng đó. Hiện nay, việc quản lý rủi ro đã được thực hiện tương đối ổn định trong lĩnh vực hải quan và bắt đầu áp dụng trong kiểm tra thuế và mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Cơ quan nhà nước không cần tăng nguồn lực để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra mà vẫn đem lại hiệu quả tối đa trong việc ngăn chặn, phát hiện vi phạm pháp luật.
Thứ hai, cần áp dụng nguyên tắc cán bộ, cơ quan nhà nước khi thanh tra, kiểm tra không được yêu cầu người dân hoặc doanh nghiệp xuất trình các giấy tờ mà các cơ quan nhà nước đã có.
Nhiều trường hợp có phản ánh từ phía doanh nghiệp và người dân về việc cơ quan nhà nước yêu cầu các giấy tờ mà chính cơ quan đó hoặc cơ quan khác của nhà nước đã có. Ví dụ, cả chi cục bảo vệ môi trường và chi cục bảo vệ thực vật đều yêu cầu doanh nghiệp cho xem báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, trong khi hồ sơ này luôn được lưu ở chi cục bảo vệ môi trường.
Hiện nay, Luật Quản lý thuế (sửa đổi bởi Luật 71/2014/QH13) đã có quy định về việc các cơ quan thuế không được yêu cầu doanh nghiệp xuất trình những hồ sơ mà ngành tài chính đã có. Nếu nguyên tắc này được áp dụng rộng rãi sẽ giúp giảm gánh nặng bị thanh tra, kiểm tra của các doanh nghiệp và người dân rất nhiều.
Thứ ba, cần áp dụng nguyên tắc phân biệt rạch ròi về thẩm quyền thanh tra, kiểm tra về nội dung giữa các cơ quan nhà nước. Một trong những tình trạng phổ biến là hiện nay nhiều cơ quan nhà nước cùng có thẩm quyền kiểm tra một nội dung đối với người dân và doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng phải tiếp rất nhiều các đoàn thanh tra, kiểm tra từ nhiều cơ quan nhà nước mà nội dung thanh tra, kiểm tra hoàn toàn giống nhau. Do đó, cần phải phân định rạch ròi thẩm quyền về nội dung thanh tra, kiểm tra để từ đó giảm gánh nặng bị thanh tra, kiểm tra của doanh nghiệp và người dân.
Hiện có lẽ đã qua giai đoạn thảo luận về vai trò, tầm quan trọng của khu vực doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam. Thực tiễn đã chứng minh, chính sách của Đảng và Nhà nước đã ghi nhận. Vấn đề quan trọng nhất là có một chiến lược phù hợp để thúc đẩy khu vực này phát triển, đưa ra được các giải pháp tháo gỡ những rào cản đang ngăn cản khu vực này phát triển mạnh mẽ. Suy cho cùng, nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới có phát triển, có cạnh tranh hay không phụ thuộc phần lớn vào khu vực tư nhân trong nước…