Động thái tiếp theo của ECB sẽ là giảm lãi suất?
Người dân châu Âu dự cảm lạm phát sẽ vượt mục tiêu của ECB trong nhiều năm tới ECB chấm dứt chuỗi tăng lãi suất liên tiếp từ tháng 7 năm ngoái |
Lãi suất đồng Euro đã đạt đỉnh
Để chống lại lạm phát, ECB đã tăng lãi suất tại 10 kỳ họp liên tiếp kể từ tháng 7/2022 với mức tăng tổng cộng lên tới 450 điểm cơ bản. Chu kỳ tăng lãi suất đã tạm dừng vào tháng 10 khi lạm phát tại khu vực đồng tiền chung giảm nhanh hơn dự kiến. Câu hỏi đặt ra là liệu ECB có tăng thêm lãi suất?
“Liệu có thêm (đợt tăng lãi suất) nào nữa?”, “Tôi không biết… đó là do dữ liệu điều khiển… chắc chắn là chúng ta đang tiến gần đến mức mà tôi thấy là mức lãi suất cuối cùng”, Thống đốc NHTW Đức (Bundesbank) Joachim Nagel - một thành viên của Hội đồng Thống đốc ECB phát biểu tại một hội nghị do tổ chức tư vấn Osservatorio Giovani Editori tổ chức. Bởi “tin tốt ở đây là lạm phát đang giảm”, ông nói và cho biết, lạm phát là "một con thú tham lam" và ECB đang trên đà hạ thấp nó, tiến gần đến mục tiêu 2% trong vòng 12-15 tháng tới.
Thậm chí Thống đốc NHTW Bồ Đào Nha Mario Centeno – một nhà hoạch định chính sách khác của ECB còn kỳ vọng các điều kiện kinh tế vĩ mô sẽ dẫn đến sự đảo ngược chu kỳ tăng lãi suất trong tương lai gần. “Chính sách tiền tệ đã góp phần giúp giảm lạm phát một cách hiệu quả, bền vững và nhanh chóng”, ông nói tại một cuộc họp báo sau khi công bố báo cáo ổn định mới của NHTW Bồ Đào Nha. “Chúng ta đang ở trong một chu kỳ lãi suất (tăng) rất căng thẳng; đó là sự thắt chặt đáng kể các điều kiện tài chính, nhưng dự kiến trong tương lai gần sẽ có điều kiện để đảo ngược thay vì tiếp tục (chu kỳ này)”.
“Trong những tuần gần đây, đã có sự củng cố về kỳ vọng rằng lạm phát đang hướng tới mục tiêu 2%”, ông nói, nhưng cũng đồng thời cảnh báo về sự cần thiết phải thận trọng. Tuy nhiên theo ông, ngay cả khi lãi suất danh nghĩa của ECB hiện có thể duy trì ổn định do lạm phát giảm, lãi suất thực tế vẫn tác động trực tiếp đến các công ty, hộ gia đình và nền kinh tế. “Trên thực tế, việc siết chặt điều kiện tài chính sẽ tiếp tục trong một thời gian, ngay cả khi lãi suất danh nghĩa không đổi”.
Không sớm cắt giảm
Tuy nhiên các nhà hoạch định chính sách của ECB đều tỏ ra thận trọng với rủi ro lạm phát và đó chính là lý do họ cho rằng cần phải duy trì lãi suất cao trong một thời gian.
Phát biểu tại một sự kiện ở Berlin (Đức) mới đây, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết: “Đây không phải là lúc bắt đầu tuyên bố chiến thắng”. “Chúng ta cần tiếp tục tập trung vào việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu và không vội đưa ra kết luận sớm dựa trên những diễn biến ngắn hạn”.
Cảnh báo tốc độ tăng giá có thể nhanh hơn trong vài tháng tới, bà cho biết, rủi ro chính đối với lạm phát là mức lương danh nghĩa tăng nhanh và ECB chỉ có thể đạt mục tiêu 2% vào cuối năm 2025. “Chúng ta sẽ cần phải chú ý cho đến khi có bằng chứng chắc chắn rằng có đủ điều kiện để lạm phát quay trở lại mục tiêu của chúng ta một cách bền vững”, bà nói. Vì vậy theo Chủ tịch ECB, lãi suất có thể ổn định trong vài quý tới.
Tương tự Thống đốc Bundesbank Joachim Nagel cũng cho rằng, ECB phải chống lại mọi cám dỗ cắt giảm lãi suất sớm vì phần khó khăn nhất trong việc chống lại đợt lạm phát gia tăng gần đây vẫn có thể ở phía trước.
“Chúng tôi đang phải đối mặt với phần khó khăn nhất trong hành trình phía trước của mình”, Nagel nói trong bài phát biểu tại Milan. “Chúng ta cần kiên nhẫn để chờ đợi hiệu quả đầy đủ của việc thắt chặt chính sách đối với lạm phát thành hiện thực”. Sở dĩ như vậy là bởi “ngay cả khi giá năng lượng vẫn giữ nguyên, tôi dự đoán tỷ lệ lạm phát sẽ tăng trở lại phần nào”, ông nói và nhấn thêm: “Trong vài tháng tới, chặng đường phía trước có lẽ sẽ gập ghềnh với nhiều thăng trầm”.
Nhà hoạch định chính sách Mario Centeno cũng cho rằng, ECB nên “duy trì lãi suất hiện tại cho đến khi tất cả các dấu hiệu lạm phát giảm đều phù hợp với việc hội tụ hướng tới mục tiêu 2%”.
Hiện thị trường cũng kỳ vọng động thái tiếp theo của ECB sẽ là cắt giảm lãi suất vào tháng 4 hoặc tháng 6 và chứng kiến mức nới lỏng hơn 90 điểm cơ bản trước cuối năm 2024.