Đồng Tháp: Tháng 4/2024, dư nợ tín dụng tăng khoảng 870 tỷ đồng
Đồng Tháp: Tiếp tục thúc đẩy cho vay ưu đãi ngành thủy sản Đồng Tháp: Ước cho vay gần 100 tỷ đồng trong quý đầu năm |
Theo thống kê của NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, tính đến 30/4/2024 tổng huy động vốn của hệ thống tổ chức tín dụng tại địa phương này đạt khoảng 68.055 tỷ đồng, tăng 0,67% so với cuối tháng 3. Trong khi đó, tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 109.482 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 868 tỷ đồng, tương đương tặng 0,8%.
Tính đến cuối quý I/2024, hệ thống ngân hàng tại Đồng Tháp đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khoảng 785 lượt khách hàng theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN. Tổng dư nợ được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ (cả gốc và lãi) đến hiện nay đạt khoảng 268,6 tỷ đồng.
Đối với chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, đến nay các tổ chức tín dụng tại địa phương đã giải ngân cho vay khoảng 52 tỷ đồng, trong đó một số doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này với lãi suất 5,12%/năm.
Nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh |
Theo thống kê của các NHTM tại Đồng Tháp, trong quý I vừa qua có khoảng gần 9.500 hồ sơ vay vốn của khách hàng được gửi đến các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng để tiếp cận các khoản vay. Trong đó có khoảng 500 hồ sơ của khách hàng doanh nghiệp. Tính đến cuối tháng 4/2024, các TCTD tại địa phương đã thẩm định và giải quyết cho vay đối với hơn 9.300 hồ sơ (chiếm 98,3%).
Ông Vương Trí Phong, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cho biết, tuần vừa qua, để triển khai các chỉ đạo của Chính phủ và NHNN về điều hành tăng trưởng tín dụng, đơn vị đã chỉ đạo hệ thống TCTD tại địa phương tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thực hiện nghiêm túc việc công bố công khai lãi suất cho vay bình quân và tập trung cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất thấp theo chỉ đạo của NHNN.
Trong các tháng quý II/2024, ngành Ngân hàng Đồng Tháp cũng sẽ tập trung đẩy mạnh hoạt động cho vay các lĩnh vực ưu tiên, cho vay các lĩnh vực có thế mạnh tại địa phương như lúa gạo, cá tra, trái cây… Bên cạnh đó sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng để hạn chế tín dụng đen trong bối cảnh tình hình tài chính kinh doanh của doanh nghiệp, người dân vẫn gặp khó khăn do sức cầu suy giảm.