Dòng tiền chảy mạnh vào thị trường hàng hóa nguyên liệu
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hóa [Infographic] Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2023 |
Mặc dù vậy, nhờ ưu điểm giao dịch hai chiều mà dòng tiền vẫn chảy mạnh mẽ vào thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới. Giá trị giao dịch toàn Sở cao kỷ lục với gần 5.100 tỷ đồng, tăng hơn 22%. Đây là mức cao nhất trong vòng một tháng trở lại đây.
Dòng tiền chảy mạnh mẽ vào thị trường hàng hóa nguyên liệu |
Sắc xanh nổi bật của cà phê là tâm điểm của thị trường hàng hóa nguyên liệu hàng hóa thế giới ngày hôm qua khi giá cà phê Arabica hợp đồng tháng 3 tăng gần 7% và Robusta hợp đồng tháng 1 cũng đi lên khoảng 3,5%. Tồn kho trên Sở ICE giảm sâu và lo ngại nông dân Brazil hạn chế bán hàng là hai nguyên nhân chính đẩy giá cà phê tăng bất ngờ.
Ngược lại, sắc đỏ bao phủ bảng giá hàng hóa năng lượng. Trước đó, thị trường chờ đợi vào quyết định của OPEC+ trong cuộc họp ngày cuối cùng tháng 11. Ngay sau khi có thông tin tổ chức này đồng thuận cắt giảm sản lượng tự nguyện với mức hơn 2 triệu thùng dầu mỗi ngày trong quý I/2024, giá dầu đã đảo chiều đi xuống và đánh mất 6,25% giá trị so với tháng 10.
Giá cà phê tăng đột biến khi tồn kho bất ngờ giảm sâu
Khép lại phiên giao dịch 30/11, giá hai mặt hàng cà phê tăng đột biến với 6,95% của Arabica hợp đồng tháng 3 và 3,49% của Robusta hợp đồng tháng 1. Tồn kho trên Sở ICE bất ngờ giảm sâu với những tín hiệu tích cực trước đó, cùng lo ngại nông dân Brazil đang hạn chế bán hàng đã khiến giá cà phê tăng trong phiên hôm qua.
Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US kết phiên 29/11 bất ngờ tụt sâu 33.764 bao loại 60kg, đánh mất toàn bộ những gì khởi sắc trong hai tuần gần đây. Thậm chí mức giảm mạnh trong phiên hôm qua đã đẩy tổng lượng Arabica đã chứng nhận về còn 259.800 tấn, xác lập kỷ lục thấp mới trong hơn 24 năm.
Theo thông tin mới nhất ghi nhận, lượng Arabica đạt chuẩn sau phiên 30/11 đã giảm thêm 35.734 bao, về còn 224.066 bao. Đây là mức tồn kho đã chứng nhận thấp nhất kể từ tháng 3/1999.
Bên cạnh đó, giới quan sát nhận định nông dân Brazil dường như đang hạn chế bán cà phê sau khi đã đẩy mạnh bán hàng trong giai đoạn tháng 10 và đầu tháng 11. Điều này cũng góp phần thúc đẩy giá tăng mạnh hơn.
Theo sau cà phê, giá bông tăng 0,59% so với mức tham chiếu. Xuất khẩu bông tại Mỹ đã có sự cải thiện nhưng vẫn chưa đủ để thúc đẩy giá bật lên trong bối cảnh chỉ số Dollar Index hồi lại.
Giá dầu cọ thô cũng ghi nhận mức tăng 0,59% trong phiên hôm qua. Khối lượng xuất khẩu tháng 11 tốt hơn dự kiến thúc đẩy giá tăng. Dữ liệu từ các nhà khảo sát Intertek testing Services và AmSpec Agri Malaysia cho thấy xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia trong tháng 11 ước tính tăng từ 2% đến 11% so với tháng trước.
Ở chiều ngược lại, giá đường 11 giảm mạnh 3,05%, về mức thấp nhất trong hơn một tháng. Đây cũng là phiên mang sắc đỏ thứ ba liên tiếp trong tuần này. Thị trường tiếp tục neo theo các thông tin tích cực về triển vọng nguồn cung đường tại Brazil.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (1/12), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ cũng tăng 100 đồng/kg. Theo đó, cà phê trong nước đang được thu mua quanh mức 57.800 - 58.900 đồng/kg.
OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng tự nguyện, giá dầu đảo chiều giảm sâu
Giá dầu trong ngày giao dịch cuối tháng 11 (30/11) biến động rất mạnh với tâm điểm cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+). Đà tăng ban đầu được thúc đẩy trước thềm cuộc họp, xuất phát từ kỳ vọng OPEC+ sẽ cắt giảm hạn ngạch sâu hơn. Tuy nhiên, giá đã đảo chiều giảm mạnh ngay sau khi tổ chức quyết định các mức cắt giảm trong quý I năm sau đều là tự nguyện.
Chốt phiên, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 1 giảm 2,44% xuống 75,96 USD/thùng. Dầu Brent cùng kỳ hạn giảm 0,32% xuống 82,83 USD/thùng. Brent kỳ hạn tháng 2/2024 bắt đầu được giao dịch, đã giảm 2,4% xuống 80,86 USD/thùng. Như vậy, so với tháng 10, dầu thô đã đánh mất 6,25% giá trị, ghi nhận tháng giảm giá thứ hai liên tiếp.
Cụ thể, Saudi Arabia, Nga và các thành viên khác của OPEC+, những nước sản xuất hơn 40% sản lượng dầu của thế giới, đã đồng ý cắt giảm sản lượng tự nguyện ở mức hơn 2 triệu thùng mỗi ngày trong quý đầu tiên của năm 2024.
Tính chất “tự nguyện” gây ra sự hoài nghi về mức độ tuân thủ cam kết, và không giống với kỳ vọng của thị trường. Điều này đã kéo giá dầu đảo chiều giảm mạnh ngay sau thông tin. Trước đó, giá dầu WTI đã tăng sát mốc 80 USD/thùng.
OPEC+ cũng mời Brazil, một trong 10 nước sản xuất dầu hàng đầu, trở thành thành viên của nhóm. Bộ trưởng năng lượng của nước này cho biết họ hy vọng sẽ tham gia vào tháng Giêng.
Làm gia tăng thêm áp lực giảm của giá dầu, dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu thô của Mỹ trong tháng 9 đã tăng lên mức kỷ lục mới hàng tháng là 13,24 triệu thùng/ngày, cao hơn 1,7% so với tháng trước đó. Đây cũng là mức tăng theo tháng lớn nhất kể từ tháng 3.
Mỹ cùng các nước ngoài OPEC đã liên tục bổ sung sản lượng kể từ sau chính sách cắt giảm sản xuất tự nguyện từ Saudi Arabia và Nga bắt đầu từ tháng 7. Điều đó bù đắp một phần thiếu hụt trên thị trường, tạo sức ép lên giá dầu.