Dòng tiền đầu tư hàng hóa đổ về thị trường nông sản
Hàng hóa Việt trước áp lực cạnh tranh Giá hàng hoá giằng co sau tuần “tăng nóng” |
Sắc đỏ phủ kín bảng giá nông sản và năng lượng. Trong khi đó, lực mua áp đảo thế trên nhóm kim loại và nguyên liệu công nghiệp. Tuy nhiên, nhìn chung lực bán chiếm ưu thế kéo chỉ số MXV-Index suy yếu nhẹ ngày thứ 2 sau chuỗi tăng liên tiếp 1 tuần, với mức giảm 0,19% xuống còn 2.309 điểm.
Dòng tiền đầu tư hàng hóa đổ về thị trường nông sản |
Mặc dù vậy, nhờ tính chất giao dịch 2 chiều của thị trường, nhà đầu tư có thể có lãi cả khi giá tăng và giảm, giá trị giao dịch toàn Sở vẫn tăng mạnh gần 18% so với ngày trước đó, đạt trên 7.400 tỷ đồng. Trong đó, dòng tiền tập trung chủ yếu ở nhóm nông sản, chiếm đến 43% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường. Đồng thời, đây cũng là nhóm dẫn dắt xu hướng thị trường trong ngày hôm qua, khi có đến 6 trên 7 mặt hàng đồng loạt giảm giá.
Giá ngô thoát xu hướng giằng co
Kết thúc ngày giao dịch 9/4, lúa mì ghi nhận mức giảm 1,41% và là mặt hàng giảm mạnh nhất thị trường nông sản. MXV cho biết, các số liệu về tiến độ mùa vụ tại Mỹ, kết hợp với nguồn cung tích cực tại Nga đã tạo sức ép kép, kéo giá lúa mì sụt giảm trong ngày hôm qua.
Cụ thể, theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tiến độ gieo trồng lúa mì vụ xuân của Mỹ hiện đạt 3% diện tích dự kiến, nhanh hơn so với các năm trước. Trong khi đó, chất lượng vụ đông đạt 56% diện tích tốt - tuyệt vời, cũng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Các số liệu trên làm gia tăng kỳ vọng về nguồn cung lúa mì ở Mỹ sẽ được cải thiện trong mùa vụ năm nay, từ đó tạo sức ép tới giá.
Trong khi đó, triển vọng nguồn cung tại Nga cũng đón nhận thêm thông tin tích cực. Công ty tư vấn Argus vừa nâng dự báo sản lượng lúa mì của nước này trong niên vụ 2024-2025 lên 92,1 triệu tấn, từ mức 90 triệu tấn đưa ra hồi tháng 11. Nếu được xác nhận, đây sẽ là mức sản lượng cao thứ 2 lịch sử của Nga, sau kỷ lục trong niên vụ 2022-2023. Mức điều chỉnh này đến từ việc nông dân tại Nga đã trồng nhiều lúa mì vụ đông hơn so với dự đoán trước đây. Điều này bù đắp sự sụt giảm của năng suất, hiện đang ngang bằng với năm ngoái.
Trong diễn biến đáng chú ý khác, giá ngô mặc dù ghi nhận mức giảm không quá mạnh nhưng đã thoát khỏi diễn biến giằng co nhiều phiên liên tiếp. Các số liệu được báo cáo trong những giai đoạn gieo trồng ngô đầu tiên tại Mỹ mở ra triển vọng tích cực cho mùa vụ 2024-2025.
Cũng theo báo cáo của USDA, nông dân nước này đã trồng được 3% diện tích ngô dự kiến tính đến tuần thứ 2 của tháng 4 và cũng đạt mức tương đương với trung bình 5 năm trước đó. Tốc độ mùa vụ là một trong những yếu tố quyết định tới năng suất cây trồng. Việc tiến độ mùa vụ năm nay diễn ra kịp thời là tín hiệu khả quan về nguồn cung. Ngoài ra, lượng mưa xuất hiện ở khu vực phía đông của Vành đai ngô cũng giúp gia tăng độ ẩm cho đất và hỗ trợ cây ngô giai đoạn nảy mầm.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm qua (9/4), giá giao dịch ngô Nam Mỹ về Việt Nam ổn định so với ngày trước đó. Tại cảng Cái Lân, giá ngô kỳ hạn giao quý II năm nay dao động quanh mức 6.300 - 6.400 đồng/kg. Trong khi đó, đối với kỳ hạn giao quý III, giá chào bán ở khoảng 6.300 - 6.350 đồng/kg. Giá giao dịch tại cảng Vũng Tàu ghi nhận thấp hơn 50 - 100 đồng/kg so với cảng Cái Lân.
Giá dầu bất ngờ quay đầu giảm
Đóng cửa ngày 9/4, giá dầu bất ngờ quay đầu giảm bất chấp các thông tin cho thấy nguy cơ nguồn cung siết chặt ngày càng lớn. Tâm lý thận trọng chốt lời của nhà đầu tư trong bối cảnh đàm phán về lệnh ngừng bắn ở dải Gaza vẫn đang tiếp tục đã gây sức ép cho giá. Chốt ngày, giá dầu WTI giảm 1,39% xuống 85,23 USD/thùng. Dầu Brent giảm 1,06% xuống 89,42 USD/thùng.
Các bên vẫn đang nỗ lực hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn ở dải Gaza sau 6 tháng xung đột Hamas - Israel kéo dài. Điều này đã cản trở đà tăng của giá dầu trong hôm qua. Mặc dù vậy, mức giảm cũng bị hạn chế khi các cuộc đàm phán ở Cairo, Ai Cập cho đến nay vẫn chưa đạt được đột phá.
Hamas cho biết đề xuất của Israel về lệnh ngừng bắn không đáp ứng được yêu cầu nào của các phe phái chiến binh Palestine, nhưng lực lượng này cho biết vẫn sẽ nghiên cứu sâu hơn về đề xuất và đưa ra phản hồi cho các nhà hòa giải.
Cũng gây một số áp lực nhất định cho giá dầu, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) trong Báo cáo Triển vọng dầu ngắn hạn (STEO) tháng 4 đã nâng dự báo nguồn cung dầu trong năm 2024 thêm khoảng 500.000 thùng/ngày, lên mức 102,65 triệu thùng/ngày so với báo cáo trước. Nguyên nhân chủ yếu đến đến từ việc EIA nâng dự báo sản lượng của OPEC lên mức 26,89 triệu thùng/ngày so với ước tính thận trọng 26,55 triệu thùng/ngày.
Ngoài ra, EIA dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ tăng khoảng 280.000 thùng/ngày trong năm nay lên 13,21 triệu thùng/ngày, và 510.000 thùng/ngày lên 13,72 triệu thùng/ngày vào năm 2025, cao hơn một chút so với dự báo trước.
Tuy nhiên, EIA đã nâng dự báo giá dầu thế giới trong năm nay cao hơn 2 USD/thùng so với báo cáo trước, với việc giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 90 USD/thùng trong quý II.
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo sớm của Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thương mại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 5/4 đã tăng hơn 3 triệu thùng. Trong khi đó, tồn kho xăng giảm ít hơn dự báo, và tồn kho nhiên liệu chưng cất tăng 102.000 thùng. Điều này cũng góp phần tạo áp lực lên giá dầu.