Dòng tiền đầu tư hàng hóa tập trung ở thị trường nông sản và kim loại
[Infographic] Bán lẻ hàng hóa quý I/2024 Chỉ số giá hàng hoá tăng 6% trong quý I/2024 |
Đối với 22 mặt hàng còn lại, lực mua áp đảo trên 3 nhóm bao gồm Công nghiệp, Năng lượng và Kim loại, đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index đảo chiều hồi phục 0,48% lên 2.248 điểm.
Dòng tiền đầu tư hàng hóa tập trung ở thị trường nông sản và kim loại |
Mặc dù chỉ có 22 mặt hàng giao dịch trong ngày hôm qua, giá trị giao dịch toàn Sở vẫn đạt trên 5.900 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 4% so với ngày trước đó. Trong đó, dòng tiền tập trung chủ yếu tại nhóm nông sản và kim loại, chiếm đến hơn 80% tổng khối lượng giao dịch của toàn thị trường.
Giá khí tăng vọt 4%, dầu thô duy trì vùng đỉnh 5 tháng
Khí tự nhiên là mặt hàng dẫn đầu đà tăng của toàn thị trường hàng hoá trong ngày hôm qua. Đóng cửa, giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 5 trên Sở NYMEX bật tăng hơn 4% lên cao nhất 3 tuần. Theo MXV, nhu cầu có tín hiệu cải thiện tại khu vực châu Á là yếu tố chính thúc đẩy lực mua đối với mặt hàng này.
Cụ thể, nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của khu vực này trong tháng 3 ghi nhận ở mức cao nhất so với dữ liệu cùng giai đoạn trong quá khứ, đạt mức 24 triệu tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, với nhu cầu chủ yếu đến từ các thị trường lớn Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.
Ngoài ra, sản lượng thu hẹp cũng góp phần hỗ trợ giá khí. Theo hệ thống dữ liệu của Reinfinitive, sản lượng khí đốt tại 48 bang của Mỹ giảm xuống mức trung bình 100,8 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) trong tháng 3 từ mức 104,8 bcfd trong tháng 2.
Trong khi đó, giá dầu tiếp tục đà tăng lên vùng đỉnh cao nhất 5 tháng qua trước các dấu hiệu cho thấy nguồn cung thắt chặt. Chốt ngày 1/4, giá dầu WTI tăng 0,65% lên 83,71 USD/thùng. Dầu Brent tăng 0,48% lên 87,42 USD/thùng.
Theo một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, sản lượng dầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã giảm 50.000 thùng/ngày so với tháng 2 xuống còn 26,42 triệu thùng/ngày trong tháng 3. Trước tác động cắt giảm sản lượng, nguồn cung thực tế thu hẹp đã thúc đẩy giá dầu tăng cao trong phiên giao dịch.
Cuộc khảo sát cho thấy mức giảm sản lượng lớn nhất trong tháng 3 đến từ Iraq và Nigeria. Trong đó, xuất khẩu của Nigeria giảm mạnh nhằm đáp ứng nguồn cung trong nước cho nhà máy lọc dầu Dangote. Các nhà sản xuất khác tại vùng Vịnh như Saudi Arabia, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đều duy trì sản lượng gần với mục tiêu cắt giảm tự nguyện.
Trong bối cảnh này, Reuters cũng dự báo rằng nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới Saudi Arabia có thể tăng giá bán chính thức (OSP) đối với dầu thô Arab Light xuất khẩu sang châu Á vào tháng 5 sau khi giá chuẩn Trung Đông tăng mạnh. Điều này phản ánh trạng thái thiếu cung trên thị trường. Mức giá có thể tăng 20 đến 30 cent/thùng so với tháng 4, tương đương mức cao hơn khoảng 2 đến 2,3 USD/thùng so với giá dầu tiêu chuẩn Oman/Dubai.
Bên cạnh nguồn cung, một số tín hiệu vĩ mô tích cực cũng thúc đẩy lực mua trên thị trường dầu thô. Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc đã công bố chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất của Trung Quốc đạt 50,8 điểm trong tháng 3, cao hơn 0,7 điểm so với với dự báo và tăng 1,7 điểm so với tháng trước. Như vậy, đây là lần đầu tiên trong 5 tháng qua, hoạt động các nhà máy ở Trung Quốc được mở rộng.
Tương tự, báo cáo của Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM) cho thấy chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất tháng 3/2024 của Mỹ bất ngờ đạt mức 50,3 điểm, cao hơn so với mức dự báo chỉ 48,5 điểm và mức 47,8 điểm trong tháng 2/2024. Điều này thúc đẩy kỳ vọng tích cực về mức tiêu thụ năng lượng của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Giá ngô suy yếu do lực bán chốt lời
Chốt ngày 1/4, giá ngô quay đầu suy yếu trở lại, thu hẹp một phần đà tăng vọt được ghi nhận vào cuối tuần trước. MXV cho biết, lực bán được thúc đẩy chủ yếu bởi sức ép chốt lời khi thị trường giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ lễ. Nhìn chung, giá ngô vẫn đang được hỗ trợ bởi triển vọng nguồn cung tại Mỹ thu hẹp sau báo cáo Triển vọng gieo trồng năm 2024 và Tồn kho quý I của Mỹ.
Bên cạnh đó, công ty tư vấn StoneX hạ dự báo sản lượng ngô vụ 2 niên vụ 2023/24 của Brazil xuống còn 96,1 triệu tấn, từ mức 96,3 triệu tấn đưa ra trước đó. Thông tin này cũng đã góp phần hạn chế đà giảm của giá trong phiên tối hôm qua.
Trong khi đó, giá lúa mì Chicago mặc dù đóng cửa với mức giảm nhẹ nhưng vẫn ghi nhận diễn biến đáng chú ý. Thị trường chịu sức ép một phần sau số liệu tồn kho sẵn có và diện tích gieo trồng dự kiến năm 2024 của Mỹ vượt kỳ vọng. Ngoài ra, xuất khẩu của Nga tăng mạnh cũng góp phần tạo sức ép tới giá lúa mì.
Cụ thể, công ty tư vấn Sovecon ước tính xuất khẩu lúa mì của Nga sẽ đạt 4,9 triệu tấn trong tháng 3, cao hơn 19,5% so với tháng 2. Nếu con số này xác nhận, đây cũng sẽ tháng xuất khẩu cao nhất kể từ tháng 9 năm ngoái và là mức kỷ lục trong tháng 3.
Ngược lại, rủi ro địa chính trị ở khu vực Biển Đen vẫn là yếu tố hỗ trợ giá trong ngắn hạn, khiến giá lúa mì xuất khẩu của Nga vẫn tăng lên trong tuần trước. Cụ thể, giá FOB đối với lúa mì chứa 12,5% protein tại các cảng trên Biển Đen của Nga đạt 208 USD/tấn trong tuần vừa rồi, tăng 3,5 USD/tấn so với tuần trước đó, công ty tư vấn IKAR cho biết. Số liệu này đã giúp giá lúa mì thu hẹp đáng kể đà suy yếu trước khi đóng cửa phiên hôm qua.