Đồng tình với chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp
Khuyến khích tập trung sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) khẳng định, chính sách này khuyến khích tập trung sử dụng đất đai để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân, tạo việc làm, yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp, từng bước tăng cường nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, tạo thêm niềm tin của nhân dân với chủ trương đổi mới sáng tạo của Đảng và Chính phủ.
Ảnh minh họa |
Nhìn lại sau 30 năm đổi mới, đại biểu Phương cho rằng, nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, đây cũng là lý giải vì sao cần phải kéo dài thời gian miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Chỉ nhìn thấy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này còn khiêm tốn. Hiện có 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có khoảng 10,2 nghìn doanh nghiệp trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản, 50% lĩnh vực nông nghiệp, 35% lĩnh vực thủy sản và 15% trong lĩnh vực lâm nghiệp. Tuy nhiên, số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ lệ khoảng 8%, tổng số doanh nghiệp trên cả nước, trong đó có 93% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Từ thực tế đó, chúng ta có thể thấy rằng so với tiềm năng, tỷ trọng ngành nông nghiệp trong nền kinh tế, số lượng doanh nghiệp như hiện nay còn khá ít, quy mô còn hạn chế, sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
“Để góp phần đạt mục tiêu về số lượng doanh nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030 và tăng tốc độ tăng trưởng nông - lâm - thủy sản đạt 3%/năm, trong thời gian tới, việc tiếp tục thực hiện chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp như quy định hiện hành là cần thiết. Do đó, Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp với nội dung kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong thời hạn 5 năm từ 1/1/2021 đến 31/12/2025 sẽ được các đại biểu Quốc hội đồng tình, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp rất phấn khởi”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương phát biểu.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương và nhiều đại biểu khác cho rằng, cùng với việc tiếp tục miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cũng phải xem xét kỹ lưỡng, công khai, minh bạch, chỉ đạo chặt chẽ trong việc quản lý thực hiện giảm thuế đúng đối tượng, nâng cao kết quả, hiệu quả quả sử dụng đất, hạn chế việc bỏ hoang hóa ruộng đất, không để lợi dụng vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm hoặc tham nhũng, lãng phí.
"Việc miễn, giảm thuế sẽ tác động trực tiếp đến giảm thu ngân sách của Nhà nước", đại biểu Nguyễn Ngọc Phương chia sẻ nhưng theo ông, nhiều năm qua chúng ta vẫn miễn, giảm thuế nhằm đẩy mạnh phát triển tam nông, do đó, việc giảm, miễn phải đến đúng đối tượng để chính sách đạt được hiệu quả trong mục tiêu đề ra. Chính phủ cần phải tiếp tục tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với đất đang sản xuất nông nghiệp của tổ chức, của hộ gia đình, của cá nhân, kể cả trường hợp đất đã được thừa kế, trao tặng, nhận chuyển quyền sử dụng đất mà thành viên đã nhận giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp và góp phần thành lập hợp tác xã.
Riêng đối với diện tích nông nghiệp mà nhà nước giao cho tổ chức quản lý không trực tiếp sử dụng đất sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp thì phải nộp thuế 100% quyền sử dụng đất.
Chủ trương đầy tính nhân văn
Các đại biểu còn cho rằng, việc thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là một chủ trương đầy tính nhân văn, chính sách này nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, sẽ giảm bớt khó khăn cho người dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, khuyến khích tổ chức và cá nhân trong đầu tư nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, nâng cao sức cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là hưởng chế độ, chính sách, đồng thời khắc phục hậu quả của Covid-19 trong tình hình bất lợi và biến đổi khí hậu hiện nay.
Tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách , đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết, tiếp tục ban hành chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021-2025 là rất cần thiết nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng và tính nhân văn của Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với các tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp, góp phần làm giảm bớt khó khăn cho nông dân.
Miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp có tác động tích cực thúc đẩy cá nhân, doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tăng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường cạnh tranh sản phẩm của nông nghiệp nước ta với sản phẩm nông nghiệp ở các nước trong khu vực. Trong bối cảnh hạn hán, xâm ngập mặn, thiên tai, biến đổi khí hậu bất thường gây bất lợi cho nông dân, nhất là khu vực đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long (vựa lúa lớn nhất của cả nước).
Thực tế hiện nay đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp chủ yếu là hộ gia đình, cá nhân lại khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước, cho nên đối với hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp cũng cần có chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho những giai đoạn tiếp theo.
Ngoài ra, còn góp phần hỗ trợ, tạo thêm công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống của người nông dân, giảm áp lực lao động đi làm việc tại các địa phương khác. Tác động tích cực cho việc xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là chuyển dịch kinh tế nông nghiệp, phát triển kinh tế trang trại ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và tích tụ ruộng đất. Tuy nhiên, việc giảm thuế nông nghiệp cũng tác động phần nào cho hụt thu ngân sách, mỗi năm hụt thu khoảng 7.500 tỷ đồng. Nhưng đây cũng là hình thức hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, là nguồn tài chính quan trọng đầu tư cho khu vực nông nghiệp nông thôn, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Về đối tượng, thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, nhiều đại biểu thống nhất thời hạn đến 2025, sau 2025 Chính phủ sẽ tổng kết, Quốc hội sẽ cho chủ trương tiếp theo. Các đối tượng miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp trong các giai đoạn 2001-2010, 2011-2020 và Nghị quyết số 28 của Quốc hội năm 2016 đến nay vẫn tiếp tục được miễn giảm không thay đổi.