Đồng vốn thúc đẩy phát triển doanh nghiệp
Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8% trong năm 2016, thu nhập đầu người 34 triệu đồng/năm, hiện tại Tuyên Quang vẫn là địa phương còn nhiều khó khăn ở khu vực phía Bắc. Trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp còn chiếm tỷ trọng khá lớn.
Tuy nhiên sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ đang gia tăng. Đóng góp vào quá trình này là sự hình thành của thế hệ DN, doanh nhân mới.
CTCP Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang là DN nằm trong nhóm “DN trăm tỷ”, có tốc độ tăng trưởng tốt |
Số lượng DN đầu tư vào Tuyên Quang thời gian gần đây phát triển khá nhanh. Nhiều tập đoàn lớn đã đến Tuyên Quang tìm hiểu cơ hội và đầu tư. Chỉ tính riêng 2 năm gần đây 2015 - 2016, tỉnh đã thu hút được nhiều dự án của các tập đoàn kinh tế lớn trong nước, như Vingroup, Mường Thanh, Vinatex, Dabaco…
Còn theo thống kê đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 1.156 DN, chi nhánh trực thuộc công ty nhà nước với số vốn đăng ký 11.213 tỷ đồng; 163 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 24.200 tỷ đồng.
Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm chia sẻ, để các DN hoạt động hiệu quả, thời gian qua tỉnh đã có nhiều giải pháp mạnh mẽ để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cùng với những cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển DN, Tuyên Quang rất quan tâm tới việc xây dựng nền hành chính phục vụ, đồng hành cùng DN; hỗ trợ DN thông qua việc thực hiện chính sách, cơ chế phù hợp; thường xuyên theo dõi, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN... Trong đó, vai trò của NH như là một cơ quan tài trợ vốn, hỗ trợ cho các DN, dự án hoạt động an toàn, hiệu quả...
Về vấn đề này, ông Trịnh Ngọc Tuấn, Giám đốc NHNN Chi nhánh Tuyên Quang thông tin thêm, trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội Tuyên Quang, ngành NH đã nỗ lực cùng với các ngành khác, nhất là đồng hành cùng DN để hỗ trợ vốn cũng như các chính sách ưu đãi khác.
Theo đó, trong năm 2016 và 2 tháng đầu năm 2017, ngành NH trên địa bàn đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, các văn bản chỉ đạo của Thống đốc NHNN. Đồng thời, luôn bám sát nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND để tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của Ngành.
Theo đó, ngày 26/7/2016, Kế hoạch hành động số 982/KH-TQU về góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển DN năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 đã được ban hành.
Thực hiện kế hoạch này, ngành NH Tuyên Quang đã thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với các DN để đánh giá về khó khăn, vướng mắc, từ đó có các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh…
Số liệu lũy kế từ khi thực hiện kế hoạch này đến nay, ngành NH Tuyên Quang đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với 398 DN với số dư nợ là 1.171 tỷ đồng; ưu tiên thu nợ gốc trước, thu lãi sau cho 189 DN với số dư nợ là 2.890 tỷ đồng…
Chương trình kết nối NH-DN cũng đã đem lại nhiều hiệu quả và được các DN đánh giá cao. Tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Thủ tướng với tỉnh Tuyên Quang mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, nhờ có sự chỉ đạo, phối hợp rất chặt chẽ của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, Chương trình kết nối NH-DN đã được triển khai tốt, giúp giảm bớt thời gian, thủ tục vay vốn, tạo nền tảng gắn kết các TCTD trên địa bàn với các DN.
Đến nay, qua 7 chương trình hội nghị, đối thoại và tháo gỡ vướng mắc giữa NH và DN, các TCTD đã cam kết cho vay gần 1.900 tỷ đồng, góp phần tạo điều kiện cho các DN trên địa bàn trong việc tiếp cận vốn với chi phí phù hợp.
Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo Tây Bắc, NHNN đã tiến hành phối hợp tổ chức các Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2013 tại Tuyên Quang và 2015 tại Sơn La. Qua các hội nghị này, các NHTM đã cam kết cho vay gần 24.000 tỷ đồng, trong đó có tỉnh Tuyên Quang. Đây cũng là điểm quan trọng trong việc hỗ trợ các DN trên địa bàn trong việc tiếp cận vốn.
Thống đốc nhấn mạnh, trong năm 2017 và những năm tới đây, với trách nhiệm của Ngành, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD trên địa bàn ưu tiên nguồn vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đồng thời đề nghị các cấp chính quyền, địa phương tiếp tục chỉ đạo, phối hợp với hệ thống NHTM tăng cường thực hiện chương trình kết nối NH-DN để tháo gỡ khó khăn và đáp ứng vốn cho DN trên địa bàn.