Dư địa chính sách tiền tệ hạn hẹp, tiềm ẩn rủi ro tài chính
Lãi suất, tỷ giá điều hành chủ động, linh hoạt
Trong quý I/2024, diễn biến kinh tế toàn cầu vẫn chưa phục hồi rõ nét, tăng giảm đan xen giữa các khu vực. Trong khi xung đột địa chính trị ở Biển Đỏ dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế trong khu vực và suy giảm thương mại quốc tế. Các NHTW lớn Fed, ECB... giữ nguyên lãi suất điều hành trong bối cảnh lạm phát tiếp đà giảm về mức mục tiêu. Một số NHTW các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển lại cắt giảm lãi suất. Trong nước, hoạt động sản xuất tăng cao hơn cùng kỳ nhưng tiêu dùng vẫn còn chậm, lạm phát chung và lạm phát cơ bản tháng 2/2024 tăng theo quy luật trong tháng Tết nhưng không cao, phản ánh áp lực lạm phát từ phía cầu là không lớn.
Lãi suất bình quân huy động và cho vay giảm tương ứng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023 |
Trước bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều biến động, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Cụ thể, NHNN điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt để điều tiết tiền tệ, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ. Trên cơ sở theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ, ngoại hối, NHNN tiếp tục duy trì chào mua có kỳ hạn giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở hàng ngày với khối lượng phù hợp, chủ động tăng khối lượng chào mua dịp trước và sau tết Nguyên đán để sẵn sàng hỗ trợ vốn cho các TCTD, ổn định thị trường tiền tệ. Từ 11/3/2024, NHNN thực hiện phát hành tín phiếu NHNN để chủ động kiểm soát tiền tệ, hỗ trợ điều hành tỷ giá. Đến 26/3/2024, tỷ giá liên ngân hàng tăng 2,15% và tỷ giá trung tâm tăng 0,54% so với cuối năm 2023.
NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo cao, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp; tiếp tục khuyến khích TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Trong 3 tháng đầu năm, xu hướng giảm lãi suất vẫn tiếp tục diễn ra. Lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm, giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023. Theo đó, giúp doanh nghiệp mạnh dạn mở rộng sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ kinh tế phục hồi. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, là mức tăng trưởng cao nhất của quý I trong vòng 5 năm qua. Đây là kết quả tích cực, đáng ghi nhận, trong bối cảnh kinh tế thế giới giảm đà tăng trưởng.
Giới chuyên môn đánh giá, tình hình kinh tế đất nước tiếp tục có những chuyển biến tích cực đã chứng minh các chính sách điều hành tiền tệ, tài khóa được triển khai thời gian qua là phù hợp, đạt kết quả rất đáng mừng. TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, 3 tháng đầu năm, điều hành chính sách tiền tệ khá hiệu quả. Mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp; tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, duy trì ổn định trước những biến động. Qua đó không chỉ giữ vững được mục tiêu đề ra mà còn giúp nền kinh tế đứng vững trước những “cú sốc” tưởng như không thể vượt qua được.
Dư địa chính sách tiền tệ đã tới hạn
Có thể nói, mặc dù NHNN đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, các TCTD cũng chủ động giảm lãi suất nhưng tăng trưởng tín dụng thời điểm đầu năm 2024 khá thấp chủ yếu do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán và khả năng hấp thụ vốn chưa cao. Tuy nhiên tín dụng đang dần phục hồi trong tháng 3/2024 thể hiện qua tốc độ giảm tín dụng chậm hơn. Tính đến 21/3, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 0,001% so với cuối năm 2023.
Theo báo cáo phân tích mới nhất của Nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV chỉ ra, nguyên nhân tín dụng thấp hơn so với cùng kỳ trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và quốc tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn còn yếu, nợ xấu tăng khiến khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng khó hơn, trong khi các TCTD thận trọng hơn, mặc dù lãi suất cho vay giảm. Theo NHNN, đến cuối tháng 01/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 4,79% tăng nhẹ so với tháng 12/2023 là 4,55%. Dù vẫn trong tầm kiểm soát nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trong bối cảnh tỷ lệ tín dụng/GDP cuối năm 2023 là 133%, tiềm ẩn rủi ro tài chính.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng, dư địa chính sách tiền tệ đang rất hạn hẹp trong khi áp lực còn lớn như tỷ giá, lãi suất cũng đang chịu nhiều sức ép không chỉ bên trong mà cả bên ngoài. Theo đó hiện NHTW các nước vẫn tiếp tục neo lãi suất ở mức cao, trong khi đó, mặt bằng lãi suất của Việt Nam liên tục giảm. Chuyên gia này khuyến cáo, nếu hạ lãi suất huy động thêm nữa thì nguy cơ dòng tiền rút khỏi từ tiết kiệm ngân hàng đổ mạnh vào các kênh có độ rủi ro cao hoàn toàn có thể xảy ra. Thực tế, đến ngày 21/3/2024, huy động vốn giảm 0,83% so với cuối năm 2023.
Song, hiện các TCTD đang ở vào thế khó: Nếu không giảm được lãi suất huy động, việc giảm thêm lãi suất cho vay của ngân hàng trở nên khó khăn hơn khi mà NIM - tỷ lệ thu nhập thuần của các ngân hàng đang giảm. NIM tổng thể của 27 ngân hàng đang niêm yết đạt 3,5% trong năm 2023, giảm từ mức 3,9% trong năm 2022. Yếu tố chính kéo NIM toàn hệ thống sụt giảm chủ yếu đến từ việc lãi suất huy động vốn đầu vào tăng cao thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023. Mặc dù từ đầu quý II/2023 lãi suất huy động đã giảm trở lại nhưng nhiều ngân hàng vẫn bị "kẹt" một lượng vốn lớn huy động ở thời kỳ lãi suất cao.
Một chuyên gia làm việc lâu năm tại ngân hàng phân tích: việc xác định NIM của NHTM không đơn thuần chỉ làm phép tính trừ giữa lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay, mà phải tính toán đầy đủ cả các chi phí cấu thành nên giá thành đầu ra bao gồm: chi phí từ lãi suất huy động và các chi phí khác bao gồm chi phí dự trữ bắt buộc, bảo hiểm tiền gửi, chi phí dự trữ đảm bảo khả năng thanh toán, chi phí hoạt động, chi phí quản lý rủi ro…
Đó là ở góc độ ngân hàng, về phía cơ quan điều hành, chia sẻ tại cuộc họp Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, triển vọng kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều bất trắc, khó lường, giá hàng hóa thế giới tăng trở lại, rủi ro lạm phát tiềm ẩn, lãi suất USD và giá USD quốc tế ở mức cao nên tạo thách thức lớn cho NHNN trong việc điều hành cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.
Khi dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều, TS. Võ Trí Thành khuyến nghị: động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cần tập trung khai thác chính sách tài khóa, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu. Nhóm nghiên cứu Viện đào tạo BIDV cũng đề nghị, thời gian tới, nâng cao hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định vĩ mô, bình ổn tỷ giá, thị trường tài chính - tiền tệ… Theo đó, chính sách tài khóa giữ vai trò chủ lực, mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, gắn với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và các chính sách miễn, giãn, hoãn thuế phí tương tự như năm 2023. Chính sách tiền tệ sẽ đóng vai trò hỗ trợ, theo hướng chủ động, linh hoạt, tăng khả năng tiếp cận tín dụng gắn với kiểm soát rủi ro và xử lý nợ xấu. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân đầu tư công, nhất là đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, đầu tư cơ sở hạ tầng; kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong triển khai…