Du lịch miền Trung cần một... “nhạc trưởng”
Phát huy tiềm năng, thế mạnh
Khu vực miền Trung kéo dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Dân số toàn vùng khoảng 20,2 triệu người, chiếm 21,0% tổng dân số cả nước, diện tích tự nhiên chiếm 28,9% cả nước. Đặc biệt, miền Trung có chiều dài đường bờ biển gần 1.900 km, là nguồn tài nguyên vô cùng phong phú. Bởi vậy, miền Trung có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, trong đó có “ngành công nghiệp không khói”.
Ảnh minh họa |
Theo PGS-TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), Tạp chí Forbes từng bình chọn 10 bãi biển đẹp nhất Việt Nam, trong đó có tới 6 bãi nằm tại miền Trung. Đây cũng là nơi có nhiều vùng vịnh, đầm phá có cảnh quan đẹp và hấp dẫn du lịch như vịnh Lăng Cô, Đà Nẵng, Xuân Đài, Vũng Rô, Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh, Vĩnh Hy… Bên cạnh đó, nơi đây còn có trên 80 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng và một số hệ sinh thái điển hình như đầm phá, vùng cát, san hô. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 5/8 di sản vật thể, 4/12 di sản văn hóa phi vật thể và 2/9 khu dự trữ sinh quyển...
Bên cạnh đó, cùng những lợi thế về tự nhiên, trong những năm qua, hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông ở khu vực phát triển khá nhanh và đồng bộ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có ngành du lịch của vùng. Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và tuyến đường sắt Bắc - Nam là những huyết mạch giao thông đường bộ kết nối các địa phương trong vùng cũng như kết nối miền Trung với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, từ đó lan toả đi các vùng và địa phương khác trong cả nước đã và đang được nâng cấp mở rộng. Cùng với đó, tại khu vực này cũng đang vận hành hệ thống đường hàng không với 9 sân bay. Trong đó, có 4 sân bay quốc tế là Vinh (Nghệ An), Phú Bài (Thừa Thiên - Huế), Đà Nẵng và Cam Ranh (Khánh Hoà). Hệ thống các cảng biển ở khu vực cũng đang đóng góp cho sự phát triển ngành du lịch.
Cùng với sự phát triển du lịch của cả nước, phát huy những tiềm năng thế mạnh của mình, du lịch miền Trung đang có những dấu hiệu khởi sắc, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Ngành du lịch đang trở thành động lực tăng trưởng cho miền Trung. Tăng trưởng bình quân hàng năm về du lịch đạt khoảng 17-18%/năm, doanh thu toàn ngành tăng bình quân 20%/năm. Khách du lịch tăng bình quân 19%/năm. Năm 2018, toàn vùng đã đón được trên 54 triệu lượt khách du lịch. Trong đó, có 11,9 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu nhập từ du lịch đạt gần 121.670 tỷ đồng, bằng 39,8% số lượt khách quốc tế, 32,6% lượt khách nội địa và bằng 19,4% tổng thu nhập du lịch cả nước...
Bên cạnh số lượng, chất lượng của du lịch miền Trung cũng đang được nâng lên trong những năm gần đây. Nhiều sự kiện lễ hội du lịch đã trở thành thương hiệu của vùng. Trong đó, có thể kể đến như, Festival Huế, Lễ hội trình diễn pháo hoa Đà Nẵng, Lễ hội Đêm rằm phố cổ Hội An, thực cảnh “Ký ức Hội An”, Festival biển Nha Trang hay các tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung”, “Thăm lại chiến trường xưa”… Đặc biệt, du lịch miền Trung cũng đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, những “con sếu đầu đàn”, trong đó có thể kể đến như FLC, Vingroup hay Sungroup...
Cần một “nhạc trưởng”
Tuy nhiên, cũng theo PGS-TS. Phạm Trung Lương, qua các chỉ số phát triển so với cả nước, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, du lịch vùng duyên hải miền Trung vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát huy được đầy đủ những lợi thế so sánh và tiềm năng to lớn của vùng. Chính vì thế, sự phát triển của vùng chưa thực sự bền vững, chưa tạo được “đột phá” để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn...
Một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của du lịch miền Trung chính là tính liên kết trong phát triển du lịch của vùng còn khá lỏng lẻo. Nhiều hoạt động liên kết các ngành kinh tế, trong đó có du lịch vẫn chủ yếu nằm dưới dạng văn bản hợp tác mà ít được triển khai trên thực tế. Bên cạnh đó, phát triển sản phẩm du lịch còn mang tính tự phát, chạy theo việc thoả mãn nhu cầu của số đông khách từ một số thị trường đẳng cấp thấp; việc trùng lặp về sản phẩm trong khi thiếu các sản phẩm du lịch đặc thù còn khá phổ biến. Việc quản lý thực hiện quy hoạch du lịch còn khá tuỳ tiện nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu bền vững. Bởi vậy, du lịch miền Trung còn thiếu sức cạnh tranh so với các nước trong khu vực và quốc tế để có thể thu hút khách từ những thị trường trọng điểm.
Xung quanh vấn đề liên kết du lịch ở miền Trung, PGS-TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng từng nhìn nhận, miền Trung có nhiều thế mạnh về du lịch, mà mạnh nhất là... “mạnh ai nấy làm” nên không phát triển được. Tư tưởng cát cứ, tư duy kiểu “địa phương chủ nghĩa” nên quy hoạch manh mún, thiếu tổng thể. Tương tự, theo đại diện một tập đoàn lớn đang đầu tư vào du lịch miền Trung, phát triển du lịch ở các địa phương trong khu vực còn có sự chồng chéo, không thống nhất, dẫn đến nhiều cách hiểu và cách làm khác nhau đối với cùng một vấn đề.
Để du lịch miền Trung thực sự khởi sắc, theo nhiều chuyên gia thì cần phải có một chiến lược tổng thể, được dẫn dắt và định hướng bởi một “nhạc trưởng”, với tầm nhìn và lợi ích dài hạn. Trong đó, các doanh nghiệp đầu tư và phát triển du lịch tại địa phương cần được tham gia như một nhân tố cốt lõi, bên cạnh vai trò của cơ quan quản lý hay các tổ chức, hiệp hội…
Ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề xuất, cần làm rõ mối liên kết để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực; lựa chọn phát triển các ngành, lĩnh vực cụ thể để tránh trùng lắp và đặc biệt là bảo đảm phát triển ổn định, bền vững, hài hòa với thiên nhiên. Trong phát triển, cần đặc biệt quan tâm và có chính sách giải quyết hài hòa lợi ích và nâng cao đời sống của cư dân ven biển, quan tâm phát triển du lịch cộng đồng để nâng cao mức sống của cư dân ven biển...
Với định hướng chiến lược xem kinh tế biển và du lịch biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là nhân tố quyết định đến quá trình phát triển của miền Trung, thì sự hình thành một tuyến đường du lịch chạy dọc ven biển, kết nối các tuyến, điểm đến, khu du lịch trong vùng với nhau là hết sức cần thiết.