Du lịch miền Trung “đi cùng nhau” để phát triển
Du lịch miền Trung: Từng bước mở cửa đón khách Du lịch miền Trung khởi sắc từ đầu năm |
Liên kết từ quy hoạch vùng
Những thương hiệu du lịch riêng của từng địa phương trong liên kết đã được nhận diện. Quảng Bình với các sản phẩm gắn với việc khám phá sự kỳ vĩ, huyền bí của thiên nhiên; Quảng Trị những nét đặc trưng văn hóa lịch sử dân tộc; Thừa Thiên Huế có các giá trị lịch sử lâu đời cùng thiên nhiên an lành và lễ hội ngàn năm; Đà Nẵng lại sôi động với danh hiệu thành phố của sự kiện; Quảng Nam đang nổi lên là “Điểm đến du lịch xanh” hàng đầu của Việt Nam với chuỗi sản phẩm du lịch được xây dựng trong sự kết hợp giữa yếu tố “thuận thiên” và các giá trị văn bản địa, của văn hóa hội nhập của một vùng đất mở. Vấn đề ở đây là tìm một điểm chung giữa các địa phương để tạo ra một thương hiệu du lịch tổng quan, mà vẫn mang bản sắc của từng địa phương và cả vùng.
Mới đây, tham gia góp ý dự thảo quy hoạch về trung tâm trọng điểm du lịch và điều phối khách cho toàn vùng, đại diện ngành du lịch các địa phương đã đề nghị xây dựng thành 3 trung tâm du lịch gắn với 3 tiểu vùng theo kịch bản. Trong đó, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam là trung tâm trọng điểm du lịch Trung Trung Bộ sẽ điều phối toàn vùng. Đây là điều dễ hiểu khi cụm Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam nằm ở ngay trung tâm của vùng, lại đang sở hữu hạ tầng tốt có thể tiếp nhận khách quốc tế cả từ đường hàng không và đường biển.
Nhóm liên kết đã đồng hành xúc tiến tại Hội chợ du lịch quốc tế VITM - Hà Nội 2023 |
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng, gần như địa phương nào cũng có lợi thế về du lịch, tuy nhiên cần làm rõ những yếu tố có thể tạo đột phá về du lịch biển của vùng. Quy hoạch vùng cần xác định một trung tâm động lực, trọng tâm về du lịch cho miền Trung. Từ đó, có cơ chế, chính sách phù hợp cho các địa phương liên kết lại với nhau, đưa vùng trở thành thương hiệu du lịch quốc tế.
Muốn đi xa phải đi cùng nhau
Năm 2023, 5 địa phương là Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình đã đẩy mạnh liên kết và đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là việc liên kết phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến du lịch. Nhóm liên kết đã đồng hành xúc tiến tại Hội chợ du lịch quốc tế VITM - Hà Nội 2023, Hội chợ du lịch quốc tế - ITE 2023, tổ chức chương trình giới thiệu tại Malaysia và tham gia hội chợ ITB tại Singapore... Cũng trong năm 2023, năm địa phương đã đón nhiều đoàn famtrip, presstrip từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Philippines... đến khảo sát điểm đến, sân golf, sản phẩm du lịch, gặp gỡ kết nối doanh nghiệp du lịch địa phương để tiếp tục phục hồi thị trường khách quốc tế.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Quảng Nam Văn Bá Sơn chia sẻ: “Liên kết, hợp tác phát triển du lịch là vấn đề tất yếu đặt ra đối với mỗi địa phương. Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa phải đi cùng nhau”. Thời gian qua, sự hợp tác, gắn kết đã được thiết lập, củng cố và phát triển. 5 địa phương đã thống nhất cùng nhau hỗ trợ, tổ chức hiệu quả nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa du lịch mang tầm vóc khu vực, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác xúc tiến, quảng bá, đảm bảo tính hiệu quả về kinh phí nhưng vẫn đảm bảo giới thiệu được không gian điểm đến chung của khu vực và sản phẩm mang tính liên vùng, sản phẩm đặc trưng của từng địa phương. Trong năm 2024, nhóm liên kết sẽ tăng cường quảng bá xúc tiến trên nền tảng số, vận hành hiệu quả hơn trang Fanpage chung của nhóm với tên gọi “Amazing Central Vietnam Heritage”, tổ chức cuộc thi Tiktok #Amazing Central Heritage… để đưa hình ảnh du lịch của 5 địa phương lan tỏa rộng rãi hơn trên không gian số.
Ông Tán Văn Vương - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho hay, trong năm 2024, các địa phương sẽ tiếp tục đồng hành xúc tiến, quảng bá tại các hội chợ du lịch quốc tế ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…; một số địa phương sẽ tham gia chương trình giới thiệu du lịch tại Úc, Đài Loan; mời các bloggers, Kols, nhân vật truyền cảm hứng từ nhiều thị trường như châu Âu, Ấn Độ, Hàn Quốc trải nghiệm, quảng bá sản phẩm du lịch của vùng... Năm 2024 cũng sẽ rất khó khăn với thị trường nội địa khi dự báo sản lượng vận chuyển hàng không nội địa sụt giảm khoảng 11%. Các tỉnh thành trong khu vực cần liên kết chặt chẽ hơn nữa để tung ra các gói “combo”, chương trình kích cầu chung hấp dẫn thì mới tăng sức hút với du khách nhất là trong mùa thấp điểm.
Trong khi đó, đại diện cho ngành du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, cơ hội để 5 địa phương mở rộng xúc tiến du lịch nội địa trong năm 2024 còn khá rộng mở. Trong đó, có thể chú ý thị trường ngách là các tỉnh Tây Bắc Bộ bởi đây là khu vực khá ưa thích sản phẩm du lịch khu vực Trung Bộ. Với thị trường quốc tế, trong năm tới, Thừa Thiên Huế dự kiến kết nối thúc đẩy mạnh thị trường khách Đài Loan, đây cũng là cơ hội để các địa phương lân cận khai thác. Thừa Thiên Huế và Quảng Nam có sự tương đồng ở nhiều thị trường khách quốc tế, cần kết nối để xúc tiến thị trường chung.
Câu chuyện “đi cùng nhau” trong phát triển ngành du lịch giữa các địa phương sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển các sản phẩm du lịch cạnh tranh, bổ sung tính đặc sắc của sản phẩm. Trước mắt thông điệp “Miền di sản diệu kỳ” là slogan được định hình, chuyển tải và đang được các bên liên quan tích cực vun đắp để chuỗi 5 tỉnh thành này trở thành điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình của du khách trong và ngoài nước.