Du lịch Việt tăng sức hút mùa cao điểm
Du lịch Việt Nam “vào guồng” đón khách quốc tế Lượng tìm kiếm du lịch Việt Nam trên Google tăng nhanh |
Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.
Theo đó, thời hạn visa điện tử được kéo dài từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần; nâng thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày. Chính sách visa cởi mở sẽ khởi động một lộ trình thông thoáng cho du lịch Việt tăng tốc phục hồi và phát triển sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Theo đại diện Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, công ty sẽ tích cực giới thiệu, đẩy mạnh thông tin chính sách mới về thị thực của chính phủ Việt Nam đến toàn bộ đối tác. Đồng thời, làm mới các sản phẩm tour hiện có cho phù hợp, đặc biệt tập trung vào các sản phẩm tour xuyên Việt dài ngày, tour kết nối với Lào, Campuchia, Thái Lan… bằng đường bộ, đường sông, dịch vụ nghỉ dưỡng dành cho đối tượng khách hàng lớn tuổi, tour tránh đông đối với du khách từ các xứ lạnh. Cùng với đó, tăng cường mở rộng hợp tác với các đối tác trong nước về lưu trú, tham quan, ẩm thực, giải trí, mua sắm… để nâng cao các trải nghiệm cho du khách quốc tế trong thời gian ở tại Việt Nam. Chú trọng các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch đến các thị trường trọng điểm trong quý IV/2023 và quý I/2024, bởi đây là bước đệm quan trọng để chuẩn bị cho mùa du lịch 2024 - 2025, hướng đến các thị trường trọng điểm gồm châu Âu, Mỹ, Úc, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á…
Tương tự, giám đốc một doanh nghiệp ngành du lịch tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, do đặc điểm về thời tiết, khí hậu, mùa cao điểm đón khách quốc tế của du lịch Việt Nam thường bắt đầu từ tháng 9, 10 đến hết tháng 3, 4 năm sau. Nên hiện nay các công ty lữ hành đang tập trung chuẩn bị cho các tour mùa cao điểm và kỳ vọng sẽ tăng doanh thu, lợi nhuận trong những tháng cuối năm. Hiện tại, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ tiếp tục là các thị trường gửi khách tới Việt Nam nhiều nhất trong 7 tháng qua và dự kiến với chính sách thị thực mới, lượng du khách từ các nước châu Âu như Pháp, Anh tăng sẽ gia tăng đáng kể trong thời gian tới.
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong tháng 7/2023, cả nước đã đón hơn 1,038 triệu lượt khách quốc tế, tăng 6,5% so với tháng 6. Đây cũng là tháng đầu tiên kể từ đầu năm, ngành du lịch đón trên 1 triệu lượt khách quốc tế. Như vậy, tính chung 7 tháng của năm nay, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt gần 6,6 triệu lượt, tương đương 83% kế hoạch năm 2023 (đón 8 triệu du khách quốc tế) và dự báo con số này có thể tăng lên 10 triệu lượt khách.
Số liệu từ nền tảng du lịch Agoda cho thấy, lượt tìm kiếm thông tin chính sách đổi mới về thị thực của Việt Nam từ du khách quốc tế tăng 33% trong 2 tuần ngay sau khi được Quốc hội thông qua, và vẫn đang có xu hướng tăng lên. Dẫn đầu mức tăng về số lượt tìm kiếm nơi lưu trú tại Việt Nam là các du khách Pháp, tăng 72% so với 2 tuần trước đó, Hà Lan, New Zealand, Đức, Hoa Mỹ... cũng ghi nhận mức tăng từ 38 - 45% về lượt quan tâm du lịch đến Việt Nam. Nhiều chuyên trang du lịch quốc tế nhận định, Việt Nam sẽ trở thành tâm điểm du lịch mới của châu Á, hút khách bởi lợi thế từ chính sách thị thực cởi mở hơn, vẻ đẹp tự nhiên đang được bảo tồn tốt và định hướng tập trung phát triển du lịch của Chính phủ. Ngoài ra, Việt Nam cũng được coi là một trong những nước tốt nhất trong khu vực xét về chi phí du lịch, từ nơi lưu trú, thực phẩm cho đến phương tiện đi lại, đặc biệt ở các vùng nông thôn.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, chính sách thị thực cởi mở hơn mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để du lịch Việt Nam hấp dẫn hơn, nâng cao tính cạnh tranh cũng như tạo sức hút mạnh mẽ hơn đối với các thị trường quốc tế là cần phải có một loạt giải pháp đồng bộ hơn nữa giữa các bộ ngành, địa phương. Cùng với đó, việc tạo thêm sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn; xúc tiến quảng bá mạnh mẽ hơn, chuyên nghiệp hơn; đảm bảo an ninh an toàn trong công tác quản lý điểm đến… sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế và là “sức bật” cho du lịch Việt Nam.