Dữ liệu cục bộ khiến chuyển đổi số bị tắc nghẽn
Chuyển đổi số góp phần xanh hóa nền kinh tế Ngân hàng vượt khó nhờ "quả ngọt" chuyển đổi số Lộ trình nào cho chuyển đổi số hệ thống QTDND |
Chuyển đổi số muốn đi nhanh, đúng hướng, góp phần giải quyết được những vấn đề thì cần phải cố gắng tập hợp các bên liên quan cùng đồng hành. |
Ngày 5/7/2023, Hội Truyền thông số Việt Nam - Trung tâm Thông tin Truyền thông số tổ chức Diễn đàn Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, với chủ dề “Kiến tạo giá trị từ chiến lược dữ liệu trong bối cảnh AI”.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số, cho rằng việc Chính phủ nhận thức chuyển đổi số là một bước đi, một phương tiện chủ đạo là một chủ trương đúng đắn, tiên phong và cách mạng. Những nỗ lực và thành tựu của Chính phủ nói chung và Bộ Thông tin và Truyền thông nói riêng trong những năm qua trong công tác chuyển đổi số là đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, để tiến trình chuyển đổi số quốc gia đi nhanh, đúng hướng, góp phần giải quyết được những vấn đề thì cần phải cố gắng tập hợp các bên liên quan cùng đồng hành.
Chuyển đổi số không phải là câu chuyện của riêng một đơn vị nào, chuyển đổi số là câu chuyện chung và nó chỉ trở thành chung khi chúng ta làm cho nó có những động lực để mọi người cùng chung sức, chứ không phải những mệnh lệnh hành chính, những chỉ thị, những tư lợi, những độc đoán từ một vài đơn vị nào đó áp đặt lên tất cả. Muốn làm tốt, cách tốt nhất là mở rộng để tất cả cùng làm, cùng có lợi, cùng thành công.
"Hiện nay, tiến trình chuyển đổi số quốc gia đang có xu hướng nghiêng về một số đơn vị nhất định và nếu không tạo sự đồng thuận của các cơ quan trong tiến trình này, cùng làm, cùng thực hiện, mà chỉ đơn thuần thực hiện nó như nhiệm vụ chính trị thì đó là trở ngại đầu tiên và lớn nhất. Ai phụ trách chuyển đổi số thì hô hào lên, ai phụ trách chuyển đổi số thì người ấy làm, còn ai không liên quan thì chỉ làm đối phó, làm cho xong", ông Lê Nguyễn Trường Giang chia sẻ.
Chuyển đổi số là một phương tiện giúp thực hiện công việc một cách hiệu quả hơn, là phương tiện để đạt được mục tiêu về kinh tế - xã hội. Hiện nay, nhiều người có suy nghĩ chuyển đổi số là một câu chuyện phát sinh thêm, chuyển đổi số là một câu chuyện ngoài công việc chuyên môn. Điều đó dẫn tới xác định chuyển đổi số là một công việc mới, giao cho một ai đó và coi như đã xong việc.
Tuy nhiên, ông Giang cho rằng chuyển đổi số bao chùm lên nhiều vấn đề, nếu muốn chuyển đổi số thì phải đi sâu vào tất cả quá trình đó, gắn kết vào quá trình đó chứ không phải là một câu chuyện được đặt ra giao cho một người cán bộ phụ trách văn hóa thông tin hay chuyển đổi số nào đó. Cách tư duy như thế đang là một rào cản và một trở ngại vô cùng lớn khiến quá trình chuyển đổi số không thực hiện được.
Do chúng ta đang tiếp cận chuyển đổi số từ góc độ sản phẩm dịch vụ, nó dẫn tới một cuộc tranh luận thế nào là đúng, thế nào là sai. Thực tế, chuyển đổi số là một tiến trình đang mới bắt đầu và khi chúng ta thực hiện tiến trình chuyển đổi số thì cần phải có giải pháp hợp lý.
"Để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến thì cần phải có dữ liệu đầu đủ, đúng, kịp thời và có chất lượng. Tuy nhiên, để làm được những việc đó, nền tảng dữ liệu phải mở. Nhưng tại Việt Nam, dữ liệu không mở, nền tảng không mở. Đa phần các dữ liệu đều cục bộ, các nền tảng đều cục bộ, do đó việc chuyển đổi số đang bị tắc nghẽn", ông Lê Nguyễn Trường Giang cho biết.
Ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số phát biểu tại Diễn đàn. |
Muốn chuyển đổi số phải có con người, cần hướng tới việc định hình ra những tiêu chí, tiêu chuẩn và những chuẩn mực về chất lượng, tạo điều kiện cho tất cả các bên có năng lực đều có thể tham gia vào tiến trình này, thay vì khuôn định nó trong những môi trường đóng, tạo nên những vùng hạn chế, không huy động được trí tuệ và sức mạnh của tập thể.
Chuyển đổi số là phương tiện mang tính tiến trình chứ không phải mục tiêu. Nếu không hiểu rõ chuyển đổi số bản chất thì đụng đâu làm đó, không biết cách hành động cho đúng thì sẽ nghĩ gì làm nấy, không hiểu được mình thực sự muốn gì thì sẽ nhìn xung quanh làm theo và không hiểu được phương cách thì sẽ vừa làm vừa tính.
Để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, ông Lê Nguyễn Trường Giang cho rằng phải biết rõ chuyển đổi số là gì, sau khi biết rõ phải nắm chắc để hiểu sâu và biết mình thực sự muốn gì. Biết rõ để thấy được rõ lợi ích để làm, để không đối phó, để không phong trào.
Chuyển đổi số cần phải nắm chắc, nắm được bản chất tránh đụng đâu làm đó, phải học cách để có thể tư duy số và lấy kiến tạo thể chế, cải cách bộ máy, thiết kế quy trình làm việc đầu tiên. Công nghệ là phương tiện, con người là trung tâm, là chủ thể đóng vai trò quyết định.
Theo ông Lê Nguyễn Trường Giang, chúng ta cần hiểu sâu để hành động cho đúng tránh kiểu nghĩ gì làm nấy, phải hiểu được ra quyết định dựa trên dữ liệu là điều quan trọng nhất cần đạt được, phải hiểu được muốn vậy thì phải kết nối dữ liệu hiệu quả, đồng bộ và cộng hưởng được, phải hiểu được chất lượng dữ liệu đóng vai trò trọng tâm và quyết định và phải hiểu được để có được dữ liệu như vậy cần có một chiến lược dữ liệu.
Chuyển đổi số là phương tiện để giúp chúng ta hoàn thành mục tiêu. Do vậy, phải lồng ghép chuyển đổi số vào trong các mục tiêu kinh tế - chính trị - xã hội, lấy chuyển đối số làm phương tiện để đạt được các mục tiêu đề ra.
"Mục tiêu quan trọng nhất là tạo ra sự chuyển đổi tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu và nâng cao hiệu quả, hiệu suất, năng suất thông qua đột phá giá trị là trung tâm, lấy con người làm trung tâm, người dân làm mục đích, cán bộ làm chủ thể", ông Lê Nguyễn Trường Giang chia sẻ.