Dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ ‘hâm nóng’ thị trường hàng hóa
Lực mua chiếm áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới. Trong đó, sắc xanh gần như bao trùm thị trường kim loại và năng lượng. Loạt dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ mới được công bố đã củng cố tâm lý lạc quan cho các nhà đầu tư.
Rủi ro suy thoái Mỹ được xoa dịu, dòng tiền “tấp nập” quay lại thị trường kim loại
Đóng cửa, ngoại trừ quặng sắt, tất cả các mặt hàng kim loại đồng loạt tăng giá sau khi Mỹ công bố hàng loạt dữ liệu kinh tế quan trọng, đẩy lùi tâm lý lo ngại suy thoái tại nền kinh tế số 1 thế giới. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc bứt phá 3,95% lên mức 28,42 USD/oz, xóa bỏ hoàn toàn mức giảm của hai phiên trước đó. Đây cũng là phiên ghi nhận mức tăng lớn nhất của giá bạc trong gần hai tháng qua. Giá bạch kim cũng phục hồi sau hai phiên giảm liên tiếp với mức tăng 3,82% lên 965,1 USD/oz, mức cao nhất hai tuần gần đây.
Tâm điểm thị trường phiên hôm qua hướng về hai dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ. Cụ thể, theo báo cáo Bộ Lao động Mỹ công bố, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại nước này đã giảm xuống 227.000 đơn trong tuần kết thúc ngày 10/8. Con số này thấp hơn 9.000 so với dự báo và là mức thấp nhất trong một tháng trở lại đây. Ngoài ra, dữ liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố cho thấy doanh số bán lẻ của nước này tăng 1% trong tháng 7, đánh bại kỳ vọng của thị trường là tăng 0,4% và là mức cao nhất kể từ tháng 2/2023.
Loạt dữ liệu kinh tế tích cực này cũng giúp khôi phục niềm tin trên thị trường. Trước đó vào đầu tháng này, lo ngại nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái đã khiến giới đầu tư hoảng loạn, sắc đỏ liên tục phủ kín trên thị trường tài chính thế giới. Do vậy, khi những lo ngại này được giảm bớt, các nhà đầu tư phân bổ dòng tiền lại thị trường, qua đó hỗ trợ cho giá các mặt hàng nhóm kim loại quý bật tăng mạnh mẽ.
Đối với kim loại cơ bản, giá các mặt hàng trong nhóm cũng được hưởng lợi khi những áp lực vĩ mô dần được rũ bỏ. Trong đó, giá đồng COMEX là mặt hàng dẫn dắt đà tăng của nhóm khi tăng 2,75% lên mức 9.151 USD/tấn, cao nhất hai tuần gần đây.
Thêm vào yếu tố hỗ trợ cho giá, tình trạng đình công tại mỏ đồng lớn nhất thế giới Escondida vẫn tiếp diễn và chưa có dấu hiệu dừng lại. Công đoàn lao động tại mỏ mới đây cho biết cuộc đình công đã khiến các nhà máy sản xuất đồng Los Colorados ngừng hoạt động hoàn toàn.
Do vậy, nếu tình trạng đình công tiếp tục kéo dài, sản lượng đồng tại mỏ này có thể sụt giảm mạnh và khiến nguồn cung đồng toàn cầu thu hẹp. Trước đó vào năm 2017, hơn 2.300 công nhân đã tham gia cuộc đình công kéo dài 44 ngày tại chính mỏ đồng này, làm ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất và khiến giá đồng tăng cao trong giai đoạn này.
Giá dầu nhảy gần 2%
Giá dầu quay đầu tăng trong phiên giao dịch ngày hôm qua sau khi dữ liệu kinh tế Mỹ làm giảm bớt lo ngại về một cuộc suy thoái tại quốc gia này. Tuy nhiên, lo ngại về nhu cầu toàn cầu chậm hơn đã kiềm chế đà tăng của giá. Kết phiên, dầu thô WTI tăng 1,53% lên mức 78,16 USD/thùng, giá dầu Brent tăng 1,6% đạt mức 81,04 USD/thùng.
Dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ tăng nhiều hơn dự kiến trong tháng 7, trong khi một báo cáo khác cho thấy sự gia tăng thấp hơn hơn dự kiến về số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp.
Theo Cục điều tra dân số Mỹ, tăng trưởng doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 7 tăng 1% so với tháng trước, ghi nhận sự phục hồi sau khi giảm 0,2% trong tháng trước đó và cao hơn dự báo tăng 0,4% của thị trường.
Trong khi đó, theo Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của nước này trong tuần trước chỉ đạt 227.000 đơn, trái ngược so với dự báo tăng lên mức 236.000 đơn của giới phân tích. Dữ liệu tích cực này đã thúc đẩy đà tăng của giá trên thị trường.
Tuy nhiên, đà tăng trên thị trường đã phần nào bị hạn chế tiếp tục với dữ liệu ảm đạm của nền kinh tế Trung Quốc. Cụ thể, theo dữ liệu mới nhất do Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố, bức tranh nền kinh tế nước này vẫn chưa thoát khỏi gam màu xám khi sức cầu trong nước vẫn yếu kém. Tăng trưởng sản lượng công nghiệp đạt 5,1%, không đạt được kỳ vọng của thị trường là 5,2%. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2024.
Cũng theo Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ, nhu cầu dầu diesel của Trung Quốc đã giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 3,9 triệu thùng/ngày trong tháng 6, mức giảm phần trăm lớn nhất kể từ tháng 7/2021 với nguyên nhân là do lĩnh vực bất động sản yếu kém đã làm chậm tăng trưởng kinh tế, bên cạnh khí đốt tự nhiên hóa lỏng đang thay thế dầu diesel trong xe tải hạng nặng.