Dữ liệu sạch là mục tiêu trọng tâm của các ngân hàng
TP.HCM: Hướng tới quản trị và điều hành trên các nền tảng và dữ liệu số Khai phóng tiềm năng số mang lại giá trị cho doanh nghiệp |
Kế hoạch 01 đã đề ra rất nhiều nhiệm vụ, một trong số đó là khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giúp các TCTD làm sạch dữ liệu của mình. Trong khi đó, các NHTM cũng xác định việc khai thác dữ liệu khách hàng chỉ phát huy tối đa hiệu quả khi dữ liệu được làm sạch, người dùng được định danh đúng người, đúng tài khoản và đúng giao dịch. Chính vì vậy, việc quản lý, làm sạch dữ liệu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các ngân hàng. Tính đến nay, đã có 53 ngân hàng phối hợp với C06 - Bộ Công an để triển khai giải pháp xác thực khách hàng thông qua căn cước công dân gắn chip.
Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú đánh giá, việc xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử của Bộ Công an là một bước tiến vượt bậc trong Chiến lược chuyển đổi số, hỗ trợ rất nhiều cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt là hoạt động ngân hàng. Nhận thức được điều này, BIDV đang tích cực phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an, NHNN triển khai phục vụ 4 nhóm tiện ích của Đề án 06, bao gồm phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; thử nghiệm rút tiền qua máy ATM bằng căn cước công dân và đã triển khai đầy đủ các hạng mục eKYC sử dụng căn cước công dân mới; tích cực tham gia Chương trình phục vụ công dân số.
Hiện tại, BIDV đang phối hợp với C06 - Bộ Công an và các đơn vị liên quan triển khai chương trình làm giàu cơ sở dữ liệu khách hàng, dữ liệu sinh trắc học phục vụ cho yêu cầu tất cả các giao dịch có giá trị trên 10 triệu đồng phải xác thực bằng dữ liệu sinh trắc học theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng.
Tương tự như BIDV, Vietcombank cũng xác định việc khai thác, làm sạch dữ liệu khách hàng trong cung ứng dịch vụ là nhiệm vụ trọng tâm. Ngân hàng này đã thực hiện một số sản phẩm như cập nhật và xác thực thông tin khách hàng mở tài khoản trực tuyến, sử dụng VNeID để xác thực trên ứng dụng Digibank giúp giảm thiểu quy trình hậu kiểm khi ứng dụng eKYC; chấm điểm cấp khoản vay trực tuyến với VNeID…
Năm 2024, Vietcombank tiếp tục mở rộng nâng cấp phạm vi ứng dụng CCCD gắn chip trên các kênh khác nhau như: kênh quầy giao dịch, kênh điện tử. Công tác này giúp ngân hàng xây dựng hệ thống dữ liệu sạch, còn khách hàng giảm thiểu nhiều thủ tục liên quan, rút ngắn thời gian giao dịch.
Không chỉ khối NHTM Nhà nước, các NHTMCP cũng đẩy mạnh khai thác nguồn dữ liệu quý giá này. Đại diện Techcombank cho biết, trong năm 2023, ngân hàng đã quyết liệt, khẩn trương triển khai theo kế hoạch phối hợp giữa NHNN và Bộ Công an. Techcombank là 1 trong 4 ngân hàng đầu tiên triển khai chính thức giải pháp ứng dụng căn cước công dân gắn chip điện tử để định danh và mở tài khoản thanh toán. Bên cạnh đó, thời gian vừa qua Techcombank cũng đã tiếp tục đưa vào thí điểm đầu đọc xác thực căn cước công dân chip tại một số chi nhánh của ngân hàng, để đánh giá mở rộng trong năm 2024.
Ngoài ra, Techcombank đang trong quá trình trao đổi thông tin với Trung tâm Rar/C06- Bộ Công an để nghiên cứu giải pháp kỹ thuật, quy trình nghiệp vụ để tích hợp với ứng dụng VneID thực hiện định danh, xác thực khách hàng trực tuyến cũng như ứng dụng giải pháp trong các nghiệp vụ khác của ngân hàng. Các bộ phận quản lý dữ liệu trong Techcombank cũng đang khẩn trương nghiên cứu áp dụng các giải pháp làm sạch dữ liệu do Bộ Công an cung cấp.
Hay tại TPBank, bên cạnh ứng dụng TPBank gắn chip, ngân hàng sử dụng các dịch vụ sinh trắc học ngay tại quầy giao dịch từ đó làm cơ sở đối chiếu với cơ sở dữ liệu của ngân hàng. Các điểm Livebank được trang bị camera có chức năng Liveness Check nhằm đảm bảo nhận diện người thật, chống mạo danh bằng máy ảnh hay video.
Ngành Ngân hàng đang bước vào giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ với lượng người dùng tăng tốc qua từng năm. Đây là thời điểm tạo ra nhiều cơ hội bứt phá cho tổ chức nào khai thác dữ liệu và vận hành, quản trị dữ liệu tối ưu sẽ chiếm ưu thế trong việc gia tăng lượng khách hàng cũng như phát triển kinh doanh.
Song để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này, các ngân hàng cho rằng cần hỗ trợ về cơ chế từ Chính phủ, các bộ, ngành liên quan. Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế cho phép các ngân hàng tận dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân để làm sạch, làm phong phú dữ liệu khách hàng theo thời gian thực để ngân hàng có thể kiểm soát rủi ro tốt hơn, cấp tín dụng đúng cho đúng đối tượng khách hàng; cung cấp miễn phí chữ ký số/chữ ký điện tử/chữ ký điện tử cho mỗi người dân nhằm thúc đẩy việc sử dụng phổ biến chữ ký số/chữ ký điện tử trong giao dịch điện tử, nhất là trong bối cảnh Luật Giao dịch điện tử sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.