Dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia làm nóng nghị trường
Ảnh minh họa |
Sáng 23/5, thảo luận ở hội trường Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên) nhấn mạnh rằng, ngày càng có nhiều vụ việc thương tâm, những câu chuyện nhức nhối từ tai nạn giao thông, về bạo lực gia đình hay xâm hại tình dục do tác hại rượu bia đã gây ra. Nếu dùng rượu, bia mà không thể kiểm soát những tác hại của nó thì bất kỳ ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân, thậm chí là trở thành tội phạm.
Số liệu được Bộ Y tế công bố cho thấy, tỷ lệ người Việt Nam uống rượu, bia thuộc hàng cao nhất thế giới với 80,3% nam giới và 11,6% nữ giới. Việt Nam hiện đứng thứ 2 các nước Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 thế giới về tiêu thụ rượu, bia. Tốc độ tiêu thụ rượu, bia ở Việt Nam tăng phi mã và vượt mọi dự đoán khi năm 2018 đã đạt 4,67 tỷ lít bia, cao hơn cả dự báo đến năm 2025. Và hậu quả của việc dùng rượu bia gia tăng là góp phần lớn khiến tình trạng tai nạn giao thông ngày càng nghiêm trọng. Đại diện Bộ Y tế thông tin, tại 2 bệnh viện lớn ở Hà Nội thì cứ 100 người tử vong do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia, thì có 82% bệnh nhân có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép. Hơn một nửa nạn nhân trong độ tuổi 15-29, hầu hết là nam giới.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu băn khoăn với một số điều luật về quảng cáo, cũng như thu hẹp khung giờ cấm quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ cồn. "Tôi thấy bất ngờ vì dự thảo lần này không còn quy định cấm bán rượu, bia trên 15 độ cồn trên internet. Không thể bỏ qua đánh giá tác hại của việc trẻ em tiếp cận quảng cáo rượu bia trên internet. Vì vậy, dự thảo Luật nên giữ lại quy định này", bà Hiền nói.
Theo các đại biểu, trên thực tế, các loại bia chiếm áp đảo thị trường trong nước hiện nay đa số có độ cồn từ 4,2 đến 5%. Tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới đã nêu rõ, bia đang là đồ uống phổ biến ở Việt Nam và trong tình hình các nhà sản xuất đang quảng cáo, tiếp thị bia rộng rãi như hiện nay, thì đây chính là lựa chọn chính khi giới trẻ bắt đầu làm quen với đồ uống có cồn. Vì vậy, cần quy định lại độ cồn cho bia và khung giờ quảng cáo cần phải điều chỉnh lại từ 18 giờ - 21 giờ ở điều 12 thay cho những quy định hiện tại của dự luật.
Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã khẳng định sẽ sớm hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng tăng nặng chế tài xử phạt, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nhất là sử dụng ma túy, rượu bia, vi phạm nồng độ cồn khi lái xe. Cho rằng những chế tài hiện nay đã không đủ mạnh, không đủ sức răn đe, chính vì vậy, các đại biểu Quốc hội tập trung ý kiến vào việc tăng cường xử phạt và nâng cao trách nhiệm cho những người vi phạm uống rượu lái xe cũng như ưu tiên kiểm soát tiêu thụ rượu bia ngay từ đầu. Dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu bia được kỳ vọng sẽ hiện thực hóa vấn đề này nếu được Quốc hội thông qua.