Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Nhiều quy định vẫn bó chân doanh nghiệp
Góp ý Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu, Giám đốc Công Ty TNHH TM Đoan Việt, bà Trần Thụy Thùy Trâm đề xuất đưa quy định "định mức kinh doanh” hay còn gọi là “chiết khấu” vào Nghị định.
Hiện nay, định mức kinh doanh có thể thấy, nằm ở cơ sở tính giá từ phía đầu mối nhưng về đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu lại không có phần này, trong khi đây là doanh nghiệp trực tiếp đưa sản phẩm thiết yếu tới tay người tiêu dùng, chịu đủ tất cả các chi phí như doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối.
Bà Trâm cho biết nếu tính theo giá 24.950 đồng/lít RON 95-III, chi phí cho 1 lít xăng mà doanh nghiệp phải bỏ ra để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng là trên 1.300 đồng/lít, tương đương hơn 5,6%. Từ đó, bà đề nghị chiết khấu tối thiểu ở khâu doanh nghiệp bán lẻ là 5,6% để còn có lợi nhuận từ 6-7%.
"Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu chúng tôi cần chi phí định mức tối thiểu trong kinh doanh, để sau khi trừ chi phí, chúng tôi vẫn có lợi nhuận. Như vậy, chúng tôi sẽ phụng sự xã hội một cách tốt nhất theo chủ trương của Nhà nước. Vì nếu dưới mức này trong suốt thời gian dài, chúng tôi gặp khó khăn rất lớn và buộc phải đóng cửa", bà Trâm nói.
Sửa đổi Nghị định cần phù hợp với tình hình kinh doanh theo cơ chế thị trường, tránh đứt gãy nguồn cung, gây khó khăn cho doanh nghiệp. |
Dẫn quy định tại dự thảo Nghị định, Điều 14 về quy định quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối “Chỉ được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu”, không cho phép các thương nhân phân phối mua bán hàng hóa với nhau nhưng thương nhân đầu mối lại có quyền “Được mua bán xăng dầu, nguyên liệu với các thương nhân đầu mối khác”, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang cho rằng ở đây có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp, vi phạm Điều 5, Điều 6, Điều 8, Điều 11 và Điều 12 của Luật Cạnh tranh và Điều 6, Điều 10, Điều 11 của Luật Thương mại.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang, việc các doanh nghiệp đầu mối không được mua hàng qua lại với nhau, nếu các đầu mối được mua bán với nhau sẽ gây ra tình trạng sản lượng ảo.
Hơn nữa, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối (cả nhập khẩu và sản xuất) là đơn vị tạo nguồn tồn dự trữ quốc gia để cung ứng cho khâu bán thương mại, bán tiêu dùng. Các đầu mối này không bán cho đại lý vì đã thông qua thương nhân phân phối. Nhưng lúc khan hiếm hàng hóa thì đầu mối chỉ tập trung cho hệ thống của mình mà ít chia sẻ nguồn cung cho thương nhân phân phối và đối tượng khác.
Trong khi đó, thương nhân phân phối là đơn vị ký hợp đồng bao tiêu cho doanh nghiệp đầu mối để phân phối ra thị trường chính là kênh phân phối có đủ nguồn lực tài chính, kinh nghiệm quản lý xăng dầu và thị trường khách hàng… nên đáp ứng kịp thời nguồn cung cho thị trường rộng khắp từ vùng sâu, vùng xa, nơi khó khăn đi lại, giao thông vận tải được mua hàng của các đầu mối và được mua hàng của thương nhân phân phối với nhau.
Từ phân tích này, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang kiến nghị giữ nguyên quy định thương nhân phân phối xăng dầu theo Khoản 12 Điều 1 Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021: “được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu khác theo hợp đồng mua bán xăng dầu”.
Đồng thời, cần có chính sách ưu đãi của Nhà nước về tín dụng cho doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối để dự trữ hàng hóa theo quy định để đáp ứng nhu cầu thị trường, chống đứt gãy nguồn cung.
Trong khi việc dự trữ xăng dầu bắt buộc chỉ áp dụng cho đầu mối vì thương nhân phân phối không trực tiếp sản xuất hay nhập khẩu, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang đề nghị bỏ quy định về “có kho, bể dung tích tối thiểu hai nghìn mét khối (2.000 m3), thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh xăng dầu từ năm (05) năm trở lên” đối với thương nhân phân phối. Bởi việc sở hữu kho hay thuê sử dụng kho chỉ làm phát sinh thêm chi phí cấu thành vào giá đến các thương nhân bán lẻ trong khi trong kinh doanh, các doanh nghiệp có thể mua hàng theo hình thức ký gửi kho và thực tế các thương nhân phân phối có thuê kho chỉ đủ thủ tục theo quy định, không bao giờ gửi hàng vào kho thuê.
Với Điều 12 quy định thương nhân phân phối phải “có hệ thống phân phối xăng dầu trên địa bàn từ hai (02) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên, bao gồm tối thiểu năm (05) cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ năm (05) năm trở lên, trong đó có ít nhất ba (03) cửa hàng thuộc sở hữu; tối thiểu mười (10) thương nhân bán lẻ xăng dầu (thực hiện bán lẻ xăng dầu dưới các hình thức: nhận làm đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc nhận quyền bán lẻ xăng dầu) có cửa hàng bán lẻ xăng dầu được cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu còn hiệu lực; có văn bản thỏa thuận về việc mua bán xăng dầu, ký với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu”, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang cho rằng quy định này chưa hợp lý, khi các cửa hàng thuộc quyền sở hữu hoặc đi thuê của thương nhân phân phối hay thương nhân đầu mối thì sẽ thuận lợi hơn cho họ trong việc điều hành hoạt động cùng như kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện trong hệ thống do mình điều hành và chịu trách nhiệm trực tiếp.
Với quy định về điều kiện kinh doanh bắt buộc, Hiệp hội cho rằng các điều kiện đó là không cần thiết và không phù hợp với quy định tại khoản 7 Điều 7 Luật Đầu tư, như: “Thương nhân phân phối phải có hệ thống phân phối gồm 5 cửa hàng bán lẻ, 10 thương nhân bán lẻ và có văn bản thỏa thuận với thương nhân đầu mối”; việc bắt buộc phải ký hợp đồng như trên chưa phù hợp quy định tại Điều 11 Luật Thương mại năm 2005.
Từ đó, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang kiến nghị sửa đổi thành: “Có hệ thống phân phối xăng dầu trên địa bàn từ hai (02) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên, bao gồm tối thiểu năm (05) cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ năm (05) năm trở lên, trong đó có ít nhất ba (03) cửa hàng thuộc sở hữu; tối thiểu mười (10) cửa hàng bán lẻ xăng dầu được cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu còn hiệu lực của thương nhân bản lẻ xăng dầu (thực hiện bán lẻ xăng dầu dưới các hình thức: nhận làm đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc nhận quyền bán lẻ xăng dầu). Hoặc mười (10) cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu; tối thiểu năm (5) cửa hàng bán lẻ xăng dầu được cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu còn hiệu lực của thương nhân bản lẻ xăng dầu (thực hiện bán lẻ xăng dầu dưới các hình thức: nhận làm đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc nhận quyền bán lẻ xăng dầu)”. Đồng thời bãi bỏ nội dung: “có văn bản thỏa thuận về việc mua bán xăng dầu, ký với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu”.
Hiệp hội cũng đề nghị bỏ quy định tại khoản 8 Điều 14 về quyền, nghĩa vụ của thương nhân phân phối xăng dầu: “Liên đới chịu trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm của các thương nhân bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối trong hoạt động kinh doanh xăng dầu theo quy định hiện hành của pháp luật”. Bởi thương nhân bán lẻ xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu là hai pháp nhân khác nhau, độc lập về tài chính, kinh tế nên việc định kỳ thương nhân phân phối/đầu mối phải kiểm tra thương nhân bán lẻ hay liên đới chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm của thương nhân bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống là hoàn toàn không hợp lý. Thay vào đó, Hiệp hội đề nghị bổ sung quy định: Thương nhân bán lẻ tự chịu trách nhiệm đối với toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình tại cửa hàng bán lẻ về cả chất lượng, số lượng, giá bán…
Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn chi tiết giới hạn sức chứa xăng dầu của thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ. Bởi, việc quy định về điểm bán xăng dầu quy mô nhỏ là để phục vụ, đáp ứng nhu cầu cần thiết của nhân dân trong điều kiện khu vực vùng sâu, vùng xa, đường xá đi lại khó khăn và không thể thực hiện xây dựng cửa hàng xăng dầu theo đúng các quy định. Trong khi hiện nay, tại một số địa phương, một số doanh nghiệp đang lợi dụng quy định để mở điểm bán xăng dầu quy mô nhỏ không đặt ở “vùng sâu, vùng xa” mà đặt ngay mặt đường huyện lộ, tỉnh lộ, quốc lộ lớn và chôn giấu téc chứa lượng xăng dầu lớn hơn 200 lít gần điểm bán xăng dầu quy mô nhỏ để đấu nối hoặc cấp bổ sung. Việc làm này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là về phòng cháy chữa cháy đồng thời nhiều thủ tục khác như đầu tư, xây dựng, đất đai... không đúng quy định nên đã trực tiếp tiếp cạnh tranh không lành mạnh với các cửa hàng xăng dầu. Trong khi đó người dân ở vùng sâu vùng xa vẫn phải đi rất xa để mùa xăng dầu vì điểm bán xăng dầu quy mô nhỏ đã không được xây dựng đúng vùng sâu, vùng xa.
Đồng thời, Bộ Công Thương cần kiểm tra, rà soát, đánh giá hiệu quả của các điểm bán xăng dầu quy mô nhỏ, có được mở đúng vùng sâu, vùng xa và người dân tại đây có được hưởng lợi từ chính sách này hay không? Quy định cụ thể điểm bán xăng dầu quy mô nhỏ chỉ được mở ở những khu vực vùng sâu, vùng xa mà đường giao thông nhỏ, xe ô tô có trọng tải từ trên 10 tấn trở lên không đi vào được hoặc có biển cấm xe trên 10 tấn.