Dự thảo quy trình phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế
Ảnh minh họa |
Theo đó, về quy trình phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế, dự thảo Nghị định nêu rõ, căn cứ dự toán ngân sách hàng năm, kế hoạch vay, trả nợ công hàng năm, Bộ Tài chính xây dựng trình Chính phủ phê duyệt Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế.
Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế bao gồm các nội dung quy định tại Khoản 3 Điều 28 Luật quản lý nợ công.
Chính phủ phê duyệt đề án phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế với các nội dung cơ bản sau: Mục đích phát hành và sử dụng vốn; Thị trường phát hành; Đồng tiền, khối lượng, kỳ hạn và phương thức phát hành; Thời điểm dự kiến phát hành; Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan.
Căn cứ Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế đã được Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế bao gồm các nội dung sau: Khối lượng phát hành; Dự kiến khung lãi suất phát hành; Thời điểm phát hành; Trách nhiệm của Bộ Tài chính và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trên cơ sở Đề án đã được Chính phủ phê duyệt và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế, Bộ Tài chính chủ trì tổ chức phát hành trái phiếu theo quy trình sau:
Thứ nhất, lựa chọn các tổ chức hoặc tổ hợp bảo lãnh phát hành: lựa chọn một hoặc một số tổ chức tài chính, tín dụng đầu tư quốc tế, có kinh nghiệm trong lĩnh vực phát hành trái phiếu Chính phủ để bảo lãnh phát hành cho đợt phát hành trên cơ sở chào thầu cạnh tranh;
Thứ hai, lựa chọn các tư vấn pháp lý: chủ trì, phối hợp với tổ chức hoặc tổ hợp bảo lãnh phát hành lựa chọn các tổ chức, công ty luật có kinh nghiệm trong và ngoài nước làm tư vấn pháp lý trong nước, tư vấn pháp lý quốc tế cho Bộ Tài chính và tổ chức hoặc tổ hợp bảo lãnh phát hành;
Thứ ba, hoàn thiện hồ sơ phát hành: chủ trì, phối hợp với tư vấn pháp lý trong nước hoặc tư vấn pháp lý quốc tế đàm phán, ký kết các hợp đồng với tổ chức hoặc tổ hợp bảo lãnh phát hành, các đại lý có liên quan và chuẩn bị các tài liệu trong hồ sơ phát hành phù hợp với thông lệ quốc tế và luật pháp của Việt Nam;
Thứ tư, đánh giá hệ số tín nhiệm: chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc với các tổ chức đánh giá hệ số tín nhiệm để xác nhận hệ số tín nhiệm cho quốc gia;
Thứ năm, tổ chức quảng bá: việc tổ chức quảng bá chào bán trái phiếu Chính phủ do Bộ Tài chính thực hiện tùy thuộc yêu cầu của từng phương thức phát hành trái phiếu Chính phủ. Bộ Tài chính phối hợp với tổ chức hoặc tổ hợp bảo lãnh phát hành tổ chức quảng bá trái phiếu Chính phủ để tiếp xúc với cộng đồng các nhà đầu tư quốc tế trước khi thực hiện việc định giá để phát hành trái phiếu Chính phủ;
Thứ sáu, tổ chức phát hành: Bộ Tài chính quyết định các điều kiện, điều khoản phát hành trái phiếu Chính phủ trên cơ sở tư vấn của tổ chức hoặc tổ hợp bảo lãnh phát hành, phù hợp với điều kiện thị trường và các nguyên tắc nêu tại đề án phát hành trái phiếu Chính phủ đã được Chính phủ phê duyệt;
Thứ bảy, tiếp nhận vốn: Bộ Tài chính tổ chức tiếp nhận nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã phát hành theo đúng các thỏa thuận đã ký;
Thứ tám, hoàn tất giao dịch phát hành: sau khi nhận tiền bán trái phiếu Chính phủ, Bộ Tài chính hoàn tất và ký kết các văn bản pháp lý kết thúc giao dịch phù hợp với luật pháp tại thị trường phát hành, đồng thời báo cáo kết quả phát hành theo các quy định hiện hành.