Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Lo nhất là thu không đạt
Cẩn trọng vì cơ cấu nguồn thu chưa bền vững
Với 451 đại biểu Quốc hội tán thành (chiếm 90,56%), Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2023 gồm 05 Điều, 04 Phụ lục đã được thông qua chiều ngày 11/11/2022. Có thể nói một trong những vấn đề được quan tâm nhất, thu hút nhiều ý kiến nhất từ các đại biểu Quốc hội và giới chuyên gia liên quan tới dự toán NSNN chính là những con số dự toán thu - chi; mức bội chi cụ thể trong năm tới.
Theo Nghị quyết, con số về dự toán thu được thông qua là 1.620.744 tỷ đồng; dự toán chi là 2.076.244 tỷ đồng; mức bội chi là 455.500 tỷ đồng, tương đương 4,42% GDP. Tuy nhiên, trong thảo luận tại tổ và tại hội trường trước đó, một số ý kiến đại biểu cho rằng, dự toán tổng thu cân đối NSNN được xây dựng như vậy chỉ tương đương với mức ước thực hiện năm 2022 là chưa phù hợp với tiềm năng, đặc biệt trong bối cảnh dự kiến tăng trưởng GDP năm 2023 khoảng 6,5%, lạm phát khoảng 4,5% và đề nghị dự toán thu năm 2023 ở mức cao hơn để có nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương, giảm bội chi NSNN.
Trao đổi với phóng viên bên ngoài nghị trường, không ít chuyên gia kinh tế cũng cho rằng việc xây dựng dự toán thu như vậy là quá thận trọng, nhất là trước thực tế vấn đề dự báo, xây dựng dự toán thu NSNN năm 2022 đã cho thấy chưa sát với tình hình thực tế khi thu NSNN năm 2022 vượt dự toán khá lớn.
Giải trình về giữ nguyên dự toán thu NSNN trong dự thảo Nghị quyết trước khi Quốc hội biểu quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, trong cơ cấu thu NSNN bao gồm các khoản thu như: Thu từ dầu thô, thu xuất nhập khẩu, thu viện trợ, thu tiền sử dụng đất, thu nội địa không kể tiền sử dụng đất. Trong đó, một số nguồn thu không theo tăng trưởng kinh tế. Như thu từ dầu thô phụ thuộc vào năng lực khai thác dầu thô trong nước và giá dầu thô trên thị trường thế giới; thu tiền sử dụng đất phụ thuộc vào kế hoạch sử dụng đất, diễn biến thị trường và nhu cầu sử dụng nguồn lực từ đất đai để bố trí nguồn đầu tư tại các địa phương. Một điểm đáng lưu ý ở đây là trong mức ước thu NSNN năm 2022 vượt khoảng 202 nghìn tỷ đồng so với dự toán thì có tới gần một nửa là từ tiền sử dụng đất và dầu thô (tổng cộng vượt khoảng 98,92 nghìn tỷ đồng). Trong khi đó thu từ xuất nhập khẩu ngoài phụ thuộc vào thị trường, giá cả, cung cầu hàng hóa của thế giới còn phụ thuộc vào lộ trình Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về thuế…
Đối với dự toán thu năm 2023, Chính phủ đã tính toán, xây dựng ở mức 1.620,7 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4% so với ước thực hiện năm 2022, do dự kiến có 04 khoản thu bị giảm khoảng 80 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 5% tăng trưởng (bao gồm: thu từ dầu thô giảm khoảng 26 nghìn tỷ đồng; thu tiền sử dụng đất giảm 44,1 nghìn tỷ đồng; thu từ xuất nhập khẩu giảm khoảng 7 nghìn tỷ đồng; thu viện trợ giảm 2,3 nghìn tỷ đồng).
Nghị quyết về phân bổ NSTW năm 2023 gồm 04 Điều, 08 Phụ lục cũng đã được Quốc hội thông qua với 453 đại biểu tán thành, chiếm 90,96%. Nghị quyết giao Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục, điều kiện phân bổ theo đúng quy định các khoản chi của NSTW chưa phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định phương án phân bổ cụ thể, bổ sung dự toán trong năm đối với số kinh phí của NSTW chưa phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương. Đáng chú ý, Nghị quyết giao Chính phủ cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao; phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên. |
Nếu vượt thu sẽ ưu tiên giảm bội chi
Riêng nguồn thu nội địa không kể tiền sử dụng đất (là những khoản thu có nguồn gốc từ phát sinh kinh tế) thì việc xây dựng dự toán đã bám sát định hướng về các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô (tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%, lạm phát khoảng 4,5%...), theo đó, dự kiến thu từ nguồn này năm tới tăng khoảng 7,8% so với ước thực hiện năm 2022. Trong đó, thu thuế, phí nội địa tăng 8,9% so với ước thực hiện năm 2022, phù hợp với mức tăng trưởng của nền kinh tế và thực trạng nhiều doanh nghiệp trong nước còn khó khăn. Mức đánh giá nêu trên cũng còn rủi ro trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, tiềm ẩn nguy cơ suy thoái và việc thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ đồng loạt của nhiều nền kinh tế lớn.
Bên cạnh đó, thực tiễn qua các năm cho thấy, do có độ trễ nên thường sau những biến động lớn về kinh tế, thu NSNN không sát với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Ví dụ, giai đoạn 2011-2015, khi nền kinh tế vừa trải qua giai đoạn suy giảm 2009-2011 trước đó thì GDP danh nghĩa giai đoạn này tăng bình quân 14,2%, nhưng thu NSNN chỉ tăng 11,6%. Giai đoạn 2016-2020, GDP danh nghĩa tăng 9,2%, thì thu NSNN chỉ tăng bình quân 8,2%. Trong năm 2020, khi dịch bệnh xảy ra, GDP tăng 2,91%, chỉ số CPI tăng 3,23% và GDP danh nghĩa tăng 4,8% nhưng thu NSNN giảm 2,8%...
Theo UBTVQH, trong bối cảnh kinh tế, xã hội trong nước và thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, như sự biến động khó lường của giá dầu, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu hạ nhiệt trong những tháng gần đây… Do đó các chỉ tiêu về thu NSNN đã phải tính đến các yếu tố này nhằm bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia, tránh rủi ro khi dự toán thu không đạt, ảnh hưởng tới nhiệm vụ chi NSNN, đồng thời bảo đảm kịp thời phân bổ, giao dự toán năm 2023, tránh xáo trộn quá lớn dự toán thu của các địa phương.
Tuy nhiên, tiếp thu các ý kiến, UBTVQH nhấn mạnh trường hợp thu vượt so với dự toán sẽ dành để bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương và giảm bội chi NSNN. Cụ thể tại khoản 2, Điều 4 của Nghị quyết nêu: "Trường hợp thu NSTW năm 2023 vượt so với dự toán, đề nghị Chính phủ báo cáo UBTVQH phân bổ theo hướng bố trí nguồn để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định và ưu tiên giảm bội chi NSNN".
Cũng có một số ý kiến cho rằng, trong điều kiện kinh tế vĩ mô khá ổn định, tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6-6,5% là mức khá thì nên rút gọn một số chính sách trong Chương trình phục hồi theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội để giảm bội chi, giảm áp lực lạm phát… tuy nhiên theo UBTVQH, Chương trình phục hồi được thực hiện trong năm 2022-2023, trong đó việc triển khai giải ngân nguồn vốn của Chương trình chủ yếu trong năm 2023, từ đó sẽ có tác động tích cực tới sự phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời sẽ có đánh giá, tổng kết việc triển khai, thực hiện Chương trình khi kết thúc. Do đó không nên rút gọn một số chính sách của Chương trình tại thời điểm này.
Về thực hiện chính sách tiền lương, Nghị quyết cho biết chưa thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương trong năm 2023. Tuy nhiên, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định. Theo đó trong giai đoạn 2023 - 2025, cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính tăng thu ngân sách địa phương so với dự toán để dành nguồn cải cách tiền lương như quy định tại Nghị quyết số 34/2021/QH15 của Quốc hội. Nghị quyết cũng nêu rõ: Từ ngày 1/7/2023, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do NSNN đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở. Từ ngày 1/1/2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị. |