Đưa Đà Nẵng trở thành “thung lũng Silicon” tại Việt Nam
Năm 2023, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch về phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn đến năm 2030; trong đó, kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP ở địa phương với tối thiểu 8.950 doanh nghiệp và 115.000 nhân lực thuộc mảng này và sản xuất vi mạch được xác định là trọng tâm ưu tiên phát triển.
Theo ông Lê Hoàng Phúc, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC), hiện có 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch trên địa bàn thành phố, gồm 7 chi nhánh doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI): Synopsys, Marvel, Uniquify, Savarti, Renesas, Synapse (nay là Quest Global), Sannei Hytechs; 3 doanh nghiệp thiết kế vi mạch, bán dẫn Việt Nam là FPT Semiconductor, Viettel Hi-Tech và Acronic.
Trên địa bàn thành phố cũng đang có 3 khu công nghệ thông tin tập trung đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận, gồm: Khu công viên phần mềm Đà Nẵng, Khu Công nghệ thông tin tập trung và Khu phức hợp Văn phòng FPT. Bên cạnh đó, có 3 khu công nghệ thông tin đang thực hiện chủ trương đầu tư như dự án Không gian sáng tạo phường Hòa Xuân, dự án Khu Công nghệ thông tin Đà Nẵng Bay và dự án Tòa nhà Viettel Đà Nẵng.
Đà Nẵng đã và đang sẵn sàng nhân lực cho công nghiệp bán dẫn (ảnh: Đại học Đà Nẵng). |
Thông thường, một doanh nghiệp vi mạch bán dẫn khi quyết định đầu tư vào địa phương nào đó họ sẽ quan tâm những vấn đề chính như: Nguồn nhân lực; hỗ trợ pháp lý và thuế; hỗ trợ về văn phòng, cơ sở hạ tầng… Thấu hiểu điều đó, TP. Đà Nẵng đã và đang nỗ lực chuẩn bị nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Thành phố đã đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hình thành mạng lưới trường đại học, cơ sở đào tạo lĩnh vực bán dẫn, vi mạch, trí tuệ nhân tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế; đào tạo mới và kết hợp chuyển đổi ít nhất 10% nhân lực ngành công nghệ thông tin ở Đà Nẵng.
Phía các doanh nghiệp cũng đã cam kết sẽ đồng hành với chính quyền thành phố trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn, góp sức đưa Đà Nẵng trở thành “thung lũng Silicon” tại Việt Nam.
Theo ông Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT kiêm Tổng Giám đốc FPT Software, FPT sẽ đồng hành với Đà Nẵng thúc đẩy sự phát triển thành phố, thông qua việc tiếp tục đón dầu và dẫn dắt xu hướng công nghệ, góp phần giúp thành phố hiện thực hóa chiến lược phát triển. Trong đó, mảng vi mạch bán dẫn, một trong những công nghệ trụ cột của tập đoàn cũng là mảng mà FPT mong muốn hợp tác với Đà Nẵng.
Cụ thể, FPT mong muốn hợp tác trong quy hoạch nhân sự, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch bán dẫn và đưa thành phố trở thành “thung lũng Silicon” tại Việt Nam.
Được biết, Trường Đại học FPT vừa sẽ tuyển 1.000 chỉ tiêu chuyên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn ngay trong mùa tuyển sinh năm 2024. Theo đó, đây là trường đại học có số lượng chỉ tiêu tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch bán dẫn lớn nhất cả nước tới thời điểm này.
Bên cạnh đó, FPT cũng mở Trung tâm Trao đổi sinh viên quốc tế (FPT Edu Global) và Trung tâm Đào tạo và Xuất khẩu Vi mạch bán dẫn (Fsemi), hướng đến việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực.