Đưa Quỹ Phát triển DNNVV thành “bà đỡ” của doanh nghiệp
Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV hiện nay?
Hiện nhóm DNNVV đang chiếm tới 97% số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường, là lực lượng vô cùng đông đảo và đóng góp quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, do tiềm lực tài chính hạn chế, đa phần là những doanh nghiệp “mỏng” về vốn, hạn chế về quản trị nên DNNVV luôn là một trong những đối tượng ưu tiên trong các chính sách của nhà nước. Quỹ phát triển DNNVV thành lập theo mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, với vốn tối thiểu là 2.000 tỷ đồng.
Thời gian qua, Quỹ đã rất nỗ lực trong việc cung cấp nguồn vốn “giá rẻ” cho các DNNVV. Hiện nay, lãi suất cho vay của Quỹ ngắn hạn là 2,16%/năm, trung và dài hạn là 4,0%/năm. Nhờ nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ, nhiều dự án, phương án sản xuất kinh doanh của DNNVV được cấp vốn, góp phần không nhỏ cho việc thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp. Đây là mức lãi suất hấp dẫn, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, tính đến nay, tổng số vốn được Quỹ chấp thuận cho vay DNNVV đạt 424 tỷ đồng.
Tuy nhiên con số giải ngân nói trên chỉ như “muối bỏ bể” so với nhu cầu vốn của doanh nghiệp. Điều đó cho thấy Quỹ Phát triển DNNVV hiện nay vẫn còn rất hạn chế về quy mô cũng như tốc độ giải ngân.
Theo ông vì sao Quỹ Phát triển DNNVV hoạt động không hiệu quả như vậy?
Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 hướng đến định hướng Quỹ phát triển DNNVV cho vay trực tiếp thay vì cho vay gián tiếp thông qua các NHTM. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có thông tư hướng dẫn, hành lang pháp lý hỗ trợ việc thẩm định cho vay, nhận tài sản bảo đảm, trích lập dự phòng rủi ro. Với nguyên tắc hoạt động của Quỹ là phải bảo đảm an toàn vốn, tương tự như Quỹ Bảo lãnh tín dụng, trong đó yêu cầu tài sản bảo đảm vẫn là một yếu tố quan trọng trong thẩm định và xét duyệt hồ sơ khi Quỹ cho vay. Nhưng tài sản đảm bảo cũng là phần hạn chế lớn nhất của các DNNVV. Bên cạnh đó, hiện nhiều doanh nghiệp cũng thiếu tính minh bạch của số liệu kế toán, thông tin tài chính kế toán chưa theo chuẩn mực, do các DNNVV chưa coi trọng việc xây dựng hệ thống số liệu này. Chính vì lý do này nên họ không dễ dàng tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, nay lại gặp khó ở Quỹ phát triển DNNVV. Đặc biệt, quy mô vốn của các quỹ còn khá nhỏ, dẫn đến số tiền cho vay còn hạn chế so với nhu cầu của các DNNVV.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 39 nhằm tháo gỡ một số vướng mắc trong quá trình thực hiện. Ông có kỳ vọng gì về điều này?
Từ những tồn tại nêu trên, có thể thấy để Quỹ Phát triển DNNVV phát huy hiệu quả thì cần một cơ chế rõ ràng và thông thoáng hơn trong quy định cho vay của Quỹ. Mục tiêu của Quỹ là hỗ trợ cho khu vực DNNVV, cần đưa nguồn vốn tới nhiều doanh nghiệp để phát triển, hạn chế một doanh nghiệp trong cùng một giai đoạn vay vốn dàn trải cho nhiều dự án. Theo tôi được biết dự thảo đã có quy định bổ sung giải quyết vấn đề này, cần sớm được thông qua để triển khai.
Bên cạnh đó, cần “nâng tầm” Quỹ này sao cho xứng với việc hỗ trợ 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường. Vì vậy, Quỹ cần có một quy mô lớn hơn để có thể đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp. Song song với đó, Quỹ cần tích cực hơn trong việc đào tạo, cải thiện năng lực quản trị, quản lý tài chính, lập sổ sách kế toán một cách chính xác, minh bạch của các doanh nghiệp. Thông qua đó, không chỉ giúp các doanh nghiệp trưởng thành hơn mà cũng đảm bảo an toàn đối với các khoản cho vay của Quỹ trong dài hạn.
Xin cảm ơn ông!