Đức cần thay đổi cấu trúc kinh tế
Hiện Đức không phải là kẻ ốm yếu của châu Âu, nhưng đúng là có những điểm yếu về cơ cấu đang kìm hãm nền kinh tế của chúng ta và ngăn cản các tiềm năng phát triển, Christian Stitch nói trong bài phát biểu quan trọng của mình tại Hội nghị thượng đỉnh ngân hàng Handelsblatt 2023 hôm thứ Tư, CEO này nói thêm: “Đức sẽ trở thành ốm yếu của châu Âu nếu các vấn đề cơ cấu này không được giải quyết”.
Giám đốc điều hành Deutsche Bank cho biết, nhiệm vụ lớn nhất thuộc về các ngân hàng, những người có vai trò đang thay đổi trong bối cảnh kinh tế vĩ mô của Đức hiện nay. “Chúng tôi đang được yêu cầu nhiều hơn bao giờ hết với tư cách là các nhà quản lý rủi ro và cố vấn. Đây là trách nhiệm lớn nhưng cũng là cơ hội lớn để tạo niềm tin mới”, Stitch nói và nhấn mạnh: “Chúng ta không được tự lừa dối mình: Đức vẫn đang tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh quốc tế, ngay cả khi tình hình kinh tế đặc biệt do lãi suất gây ra hiện đang che đậy điều này”.
Vị CEO này cũng liệt kê hàng loạt nhân tố khác đang “góp phần” tạo nên một hình ảnh “ốm yếu” của Đức, bao gồm chi phí năng lượng cao và khó lường; kết nối internet chậm, số hóa chậm; mạng lưới đường sắt lỗi thời; thiếu công nhân lành nghề; tình trạng quan liêu và thủ tục phê duyệt kéo dài.
Thực tế trong thời gian gần đây đã có nhiều tranh luận về việc liệu Đức có xứng đáng với biệt danh “kẻ ốm yếu” hay không. Theo Peter Oppenheimer, chiến lược gia cổ phiếu toàn cầu và trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô EMEA tại
Goldman Sachs, có nhiều yếu tố thách thức với nền kinh tế Đức. “Những thách thức trong lĩnh vực sản xuất, nỗ lực mở cửa trở lại của Trung Quốc đáng thất vọng và chi phí năng lượng cao hơn đang góp phần vào sự suy thoái của kinh tế ở Đức dù đây không phải là một cuộc suy thoái sâu sắc”, chuyên gia này nói.
Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - đã rơi vào suy thoái kỹ thuật trong quý I năm nay khi tăng trưởng GDP sau điều chỉnh đã giảm từ 0 xuống -0,3%. Kể từ đó, một số tổ chức đã dự báo nền kinh tế Đức sẽ tiếp tục suy thoái, bao gồm ngân hàng trung ương Đức và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.