Đường sang Myanmar đang rộng
Hàng hóa Việt đã có mặt khá nhiều ở thị trường Myanmar |
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2015 Việt Nam xuất sang Myanmar ước đạt trên 378,5 triệu USD, tăng gần 10% so với năm 2014. Tuy nhiên, không phải bất cứ DN nào cũng đạt được kỳ vọng đặt ra ban đầu nếu như không am hiểu đặc tính thị trường.
Nói đến những DN Việt có thâm niên “chinh chiến” tại thị trường Myanmar phải kể đến một số thương hiệu như Vinamilk, Hòa Phát, Điện Quang, Vissan… Tuy nhiên, để có được kết quả như ngày hôm nay, những DN này đã phải trải qua không ít khó khăn để chinh phục thị trường mới này.
Đại diện CTCP Bóng đèn Điện Quang cho biết, sản phẩm của công ty đã có mặt tại thị trường Myanmar từ rất sớm, do tìm hiểu kỹ nhu cầu của thị trường, đồng thời sản phẩm Điện Quang đạt chất lượng, độ bền cao nên người tiêu dùng tại quốc gia này khá ưa chuộng.
Dù mặt hàng điện dân dụng thời gian đầu vấp phải sự cạnh tranh khá gay gắt với các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, nhưng do Điện Quang có chiến lược bám trụ và chinh phục thị trường lâu dài, chính vì vậy đến nay công ty đã đạt doanh số tăng trưởng 15%.
Chọn một hướng đi khác là thông qua đối tác tại thị trường Myanmar để dần dần tìm cách “cắm rễ”, và đến nay công ty mỹ phẩm Sài Gòn cũng đã trở thành thương hiệu khá quen thuộc với người tiêu dùng tại quốc gia này. Hàng năm, công ty xuất khẩu lượng hàng hóa lớn và đem về nguồn doanh thu hàng trăm nghìn USD.
Tuy nhiên, nhiều DN đã tìm cách mở đại lý phân phối hoặc mở văn phòng đại diện ngay tại Myanmar nhằm hạn chế bớt khâu trung gian làm đẩy giá thành khiến người tiêu dùng tại quốc gia này khó tiếp cận.
Một số DN sản xuất hàng hóa xuất sang thị trường Myanmar cho biết, người dân Myanmar khá chuộng hàng Việt Nam vì giá cả rẻ hơn hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan, Singapore, nhưng đồng thời chất lượng lại cao và bền hơn hàng Trung Quốc.
Hiện nay, thị trường Myanmar còn nhiều dư địa cho các mặt hàng đồ gia dụng, thực phẩm đã qua chế biến, hóa mỹ, dược phẩm. Đặc biệt, các sản phẩm phân bón, máy móc, thiết bị công nghiệp, đồ điện tử… cũng hứa hẹn nhiều tiềm năng để các DN tham gia vào thị trường.
Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC), người tiêu dùng và thị trường Myanmar trong giai đoạn hiện tại dễ chấp nhận các sản phẩm thuộc phân khúc trung cấp, bình dân hơn.
Đồng thời, họ cũng thường ưu tiên mua sắm các sản phẩm, vật dụng thiết yếu dành cho gia đình theo thói quen. Chính vì vậy, DN nên lưu ý khi sản phẩm đã tạo niềm tin và đảm bảo được chất lượng thì chắc chắn sẽ chiếm lĩnh thị phần khá tốt tại đây.
Tuy nhiên, đối với mỗi mặt hàng, các DN xuất khẩu lại cần lưu ý đến những đặc tính riêng. Đơn cử, hiện nay người dân Myanmar hầu như ở nhà chung cư, rất ít ở nhà phố, vài năm gần đây đã có nhiều chung cư mới, được xây dựng cao cấp, trang bị hiện đại. Nhu cầu nhà ở, văn phòng đang tăng lên và dự báo cao trong tương lai nên những chung cư, cao ốc sẽ tiếp tục được xây dựng, kéo theo nhu cầu về vật liệu xây dựng và sản phẩm trang trí nội thất.
Hiện ở Myamar sử dụng vật liệu xây dựng truyền thống, còn các sản phẩm kỹ thuật cao trong xây dựng chưa được sử dụng nhiều như phụ gia bê tông, vật liệu dán tường, vật liệu cách âm, làm sáng bề mặt, gạch không nung… nên khi các DN sản xuất, xuất khẩu hàng hóa vật liệu xây dựng cần lưu ý điều này.
Bên cạnh đó, dù đã có nhiều cải cách nhưng khi đầu tư, xuất khẩu hàng hóa sang Myanmar, các DN Việt cần lưu ý đến các thủ tục về thuế, hải quan, nhất là khâu vận chuyển hàng hóa, thủ tục thanh toán đang là trở ngại không nhỏ. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia nhận định Myanmar vẫn được coi là thị trường tiềm năng và còn nhiều dư địa cho các DN xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Vì vậy, nếu không nhanh chân bám trụ thì các DN Việt đã đánh mất đi cơ hội gia tăng thị phần và lợi nhuận ngoài lãnh thổ, bởi rất nhiều đối thủ cạnh tranh từ các quốc gia khác đã và đang có chiến lược lâu dài xâm nhập và cắm rễ để khai thác thị trường Myanmar.