ECB giữ nguyên chính sách kích thích do lo ngại tăng trưởng chậm lại
Theo đó, tại cuộc họp chính sách tháng 4 ECB quyết định giữ nguyên lãi suất huy động ở mức -0,4%; lãi suất tái cấp vốn là 0%; lãi suất cho vay cận biên là 0,25%. ECB cũng nhấn lại rằng họ kỳ vọng các mức lãi suất chủ chốt sẽ ở mức hiện tại cho đến khi kết thúc quá trình mua trái phiếu ròng.
Các nhà hoạch định chính sách của ECB cũng nhắc lại rằng họ sẽ tiếp tục mua 30 tỷ euro (36 tỷ USD) tài sản mỗi tháng cho tới ít nhất là cuối tháng 9, trong khi liên kết việc kết thúc nới lỏng định lượng với sự điều chỉnh liên tục trong lạm phát.
Quyết định của ECB ược đưa ra chỉ vài ngày sau khi Chủ tịch ECB Mario Draghi thừa nhận tại các cuộc họp của Quỹ tiền tệ quốc tế ở Washington rằng, trong khi sự tăng trưởng của khu vực đồng euro có thể đã không còn “sôi động”, việc mở rộng kinh tế sẽ tiếp tục. “Mặc dù các chỉ số kinh tế mới nhất cho thấy, chu kỳ tăng trưởng có thể đạt đỉnh, đà tăng trưởng dự kiến sẽ tiếp tục”.
Phát biểu tại buổi họp báo được tổ chức sau đó, ông Draghi cũng cho biết, các nhà hoạch định chính sách ECB hạn chế thảo luận về việc kết thúc mua tài sản cũng như vấn đề đồng euro mạnh hơn mà tập trung chủ yếu vào việc đánh giá sức khỏe của nền kinh tế khu vực.
“Điều thú vị là chúng tôi không thảo luận riêng về chính sách tiền tệ”, ông nói. “Rõ ràng là kể từ cuộc họp gần đây nhất của chúng tôi, tất cả các quốc gia đều trải qua, ở một mức độ khác nhau, một số tăng trưởng vừa phải hoặc một số mất động lực”.
Trong khi đó, nhiệm vụ của ECB trong việc thúc đẩy lạm phát bền vững ở mức gần 2% ngày càng khó khăn hơn khi dữ liệu cho thấy rằng đà tăng trưởng mạnh nhất của khu vực đồng euro trong một thập kỷ có thể đang chững lại. Trong khi mối đe dọa của một cuộc chiến thương mại toàn cầu đang đe dọa nền kinh tế định hướng xuất khẩu của châu Âu.
Theo số liệu được công bố mới đây, lạm phát tại khu vực đã được sửa đổi xuống mức 1,3% trong tháng 3 thay vì mức 1,4% như số liệu tạm tính trước đó.
Tuy nhiên Draghi cho rằng “sức mạnh cơ bản của nền kinh tế khu vực đồng euro tiếp tục hỗ trợ niềm tin của chúng tôi rằng lạm phát sẽ hội tụ theo mục tiêu lạm phát của chúng tôi là ở dưới, nhưng rất gần với 2% trong trung hạn”.
Draghi cũng cho biết thêm rằng, kể từ cuộc họp gần đây nhất của ECB, lạm phát cơ bản tại khu vực là đang “đ ngang”, nhưng đã có “một số dấu hiệu đáng khích lệ về tăng trưởng tiền lương danh nghĩa”.
“Phát biểu của Mario Draghi cho thấy ECB vẫn tự tin với triển vọng tăng trưởng, dù thừa nhận rằng một động lực nhỏ đã bị mất. Cho đến nay, những phát biểu này được cho là phù hợp với quan điểm của chúng tôi rằng việc mua tài sản sẽ kết thúc vào cuối năm nay”, Jamie Murray và David Powell, các nhà kinh tế của Bloomberg Economics nói.
Hiện giới đầu tư đang đạt câu hỏi là liệu đà giảm nhẹ của tăng trưởng kinh tế khu vực đồng tiền chung có khiến các nhà hoạch định chính sách ECB trở nên thận trọng hơn đối với việc loại bỏ chương trình kích thích tiền tệ của mình.
Theo một nguồn tin quen thuộc với vấn đề này nói với Bloonmberg, nhiều khả năng các nhà hoạch định chính sách của ECB sẽ đợi tới tháng 7 để thông báo chi tiết về việc kết thúc chương trình mua trái phiếu của mình, cho biết cần phải có thời gian để đánh giá liệu nền kinh tế có khắc phục tình trạng giảm tốc trong quý đầu năm hay không.
Trong khi đó, các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Bloomberg không mong đợi các nhà hoạch định chính sách của ECB bắt đầu thực hiện thay đổi kích thích sớm nhất là tới tháng 6, với hầu hết các chuyên gia mong đợi ngày kết thúc chương trình mua tài sản sẽ được công bố trong tháng 7 hoặc tháng 9.