ESG là xu thế tất yếu thúc đẩy phát triển bền vững
Ngân hàng chủ động hơn trong thực thi ESG Ngân hàng phát hành trái phiếu ESG tốt nhất Việt Nam 2023 Thực thi ESG tạo lợi thế cạnh tranh mới cho ngân hàng |
Việt Nam tích cực tham gia thực hiện cam kết về chuyển đổi xanh
Theo đánh giá của Tổng Biên tập Phạm Tuấn Anh tại Lễ ra mắt Diễn đàn ESG Việt Nam vào chiều 22/5 do Báo Dân trí tổ chức, ESG đã và đang trở thành xu hướng tất yếu trong hoạt động kinh doanh trên toàn cầu. Các doanh nghiệp áp dụng thành công nguyên tắc ESG không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường và xã hội mà còn góp phần nâng cao uy tín, hiệu quả hoạt động, thu hút đầu tư và gia tăng giá trị thương hiệu. Theo đó, tại Việt Nam, ESG đang ngày càng nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Nhiều doanh nghiệp đánh giá việc phát triển năng lực ESG là chìa khóa để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Cải thiện khả năng quản lý dữ liệu và báo cáo ESG cũng là cách tốt nhất để hòa hợp mục tiêu phát triển bền vững với mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thị trường, đối tác và nhà đầu tư, đồng thời giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn đầu tư xanh và nâng cao hình ảnh, thương hiệu ở trong nước cũng như trên trường quốc tế.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhận định ESG, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới |
Phát biểu tại Lễ ra mắt Diễn đàn, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhận định, thực hành ESG, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Việt Nam là một trong những quốc gia đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, xã hội và chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, đời sống người dân. Vì vậy, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Cụ thể, năm 2015, Việt Nam cam kết thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc; Năm 2016, Việt Nam đã cùng hơn 170 quốc gia trên thế giới ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Đặc biệt, tại Hội nghị COP26 (Glasgow 2021), Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 đến năm 2050.
Theo báo cáo của các quốc gia tại Hội nghị COP27 (Ai cập 2022), trong gần 150 quốc gia cam kết thực hiện mục tiêu NetZero, Việt Nam là một trong các quốc gia đã có những hành động nhanh, kịp thời để triển khai cam kết bằng việc ban hành khung chính sách tăng trưởng xanh.
47 TCTD đã phát sinh dư nợ tín dụng xanh
Là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, ngành Ngân hàng luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có yêu cầu về áp dụng các tiêu chí ESG góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, xuất phát bởi 04 yếu tố. Đó là sự gia tăng các quy định về ESG đòi hỏi các ngân hàng phải tuân thủ và cập nhật liên tục những đổi mới trong quy định và chính sách để ngày càng thể hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội; Nâng cao uy tín của ngân hàng thông qua việc tích hợp và minh bạch các vấn đề liên quan đến ESG; Cải thiện hiệu quả quản trị rủi ro, vì rủi ro ESG không đứng độc lập hay tách biệt, mà còn liên đới tới các rủi ro của TCTD (gồm rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản, rủi ro chiến lược, rủi ro danh tiếng); và khi áp dụng ESG, các TCTD có cơ hội mở rộng thị trường, phát triển các sản phẩm tín dụng trong quá trình tiếp nhận các dòng vốn đầu tư xanh từ các tổ chức tài chính quốc tế.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hành ESG trong hoạt động ngân hàng, từ rất sớm, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN (năm 2015) về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Thống đốc NHNN ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 07/8/2018 về việc phê duyệt Đề án phát triển Ngân hàng xanh tại Việt Nam nhằm định hướng các tổ chức tín dụng phát triển hoạt động ngân hàng xanh hướng đến bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
NHNN cũng đã phối hợp với các tổ chức quốc tế (IFC) ban hành Sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cho 15 ngành kinh tế trong hoạt động cấp tín dụng. Mới đây, triển khai nhiệm vụ được giao trong thi hành Luật Bảo vệ môi trường (2020), NHNN đã ban hành Thông tư 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 về quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, có hiệu lực từ 1/6/2023. Đây là quy định bắt buộc các TCTD thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng đối với các nhóm dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường đã được quy định cụ thể tại Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ. Việc xây dựng, ban hành và thực hiện Thông tư thể hiện thông điệp mạnh mẽ về trách nhiệm của ngành ngân hàng đối với công tác bảo vệ môi trường, tăng cường khả năng quản trị rủi ro của TCTD trước rủi ro về môi trường, biến đổi khí hậu, hướng hoạt động ngân hàng Việt Nam ngày càng tiệm cận với các quy chuẩn, thông lệ quốc tế về thực hành ESG, tài chính bền vững, đồng thời, nâng cao chất lượng tín dụng, an toàn và hiệu quả hoạt động kinh doanh ngân hàng.
Qua tổng kết, đánh giá giai đoạn 2014-2020 và theo dõi từ 2021 đến nay, các TCTD đã có sự thay đổi về nhận thức hướng tới hoạt động bền vững. Nhiều TCTD, trên cơ sở quy định của NHNN, đã chủ động hợp tác, tiếp nhận các nguồn vốn xanh, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế để xây dựng quy chế nội bộ thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội cho một số hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng. Giai đoạn 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm. Đến 31/3/2024, đã có 47 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 636.964 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của hệ thống TCTD tăng trưởng đều qua các năm, đến nay đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Diễn đàn ESG Việt Nam được tổ chức thường niên từ năm 2024. |
Hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững
Những kết quả trên cho thấy các giải pháp triển khai của ngành ngân hàng thời gian qua đã góp phần thúc đẩy quá trình xanh hóa hoạt động ngân hàng, kịp thời đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh, thân thiện với môi trường; Đồng thời, nâng cao nhận thức và thực thi các quy đinh về bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn lực từ hệ thống ngân hàng, từ đó điều chỉnh hành vi tiến tới thực hành các tiêu chuẩn ESG, xanh hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của nền kinh tế.
Về phía NHNN, Phó Thống đốc chia sẻ, NHNN hiểu rằng thực hành ESG, xanh hóa hoạt động ngành ngân hàng, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững vừa là cơ hội, vừa là thách thức, đòi hỏi phải khẩn trương, quyết liệt từ nhận thức tới hành động, vừa phải từng bước hoàn thiện các chính sách, cơ chế về tiền tệ tín dụng cho quá trình tổ chức triển khai của các TCTD. Trước thực tế này, thời gian tới, NHNN tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tăng cường quản lý rủi ro môi trường, xã hội và rủi ro khí hậu trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD. Theo dõi, hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình các TCTD thực hiện quản lý rủi ro môi trường theo quy định tại Thông tư 17/2022/TT-NHNN; Chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn lực để tài trợ vốn cho các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh, các dự án mô hình kinh tế góp phần thực hiện các yêu cầu về đổi mới mô hình tăng trưởng quốc gia, phát thải thấp; đồng thời hướng dẫn các TCTD cấp tín dụng xanh, báo cáo tình hình triển khai tín dụng xanh sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phân loại xanh quốc gia.
Ngoài ra, NHNN sẽ tích cực tham gia các Diễn đàn trong nước và quốc tế về tín dụng xanh, ngân hàng xanh, thực hành ESG và tăng trưởng bền vững; đồng thời thúc đẩy các hoạt động truyền thông, đào tạo nâng cao nhận thức và chất lượng của nguồn nhân lực ngành ngân hàng nhằm đáp ứng các yêu cầu triển khai về thực hành ESG cũng như các tiêu chuẩn quốc tế trong phát triển bền vững.
Chia sẻ tại lễ ra mắt Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, trong những năm qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để phát triển ESG trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. “Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức liên quan để triển khai hiệu quả các giải pháp phát triển ESG trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Diễn đàn ESG Việt Nam được tổ chức thường niên từ năm 2024. Điểm nhấn của Diễn đàn sẽ là hội thảo theo chủ đề cùng Lễ vinh danh các tổ chức, đơn vị hướng đến phát triển bền vững...