FDI “đợi” hành động chính sách quyết liệt hơn
Thiếu dự án quy mô lớn
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/3/2023 (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của NĐT nước ngoài) đạt 7,8 tỷ USD, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân của sự sụt giảm này, theo Cục Đầu tư nước ngoài, là do trong 3 tháng năm 2022 có sự gia tăng đột biến với việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án LEGO, với tổng vốn đăng ký 1,32 tỷ USD. Riêng dự án này đã chiếm tới 41% tổng vốn đăng ký mới trong 3 tháng năm 2022.
Số liệu thống kê về vốn FDI đăng ký cấp mới cũng cho thấy rõ nét hơn về thực trạng dự án FDI quy mô nhỏ. Theo đó, trong quý I năm nay, hình thức đăng ký mới đã tăng tới 58,6% về số lượng (590 dự án), nhưng chỉ tăng 0,03% về số vốn (3,45 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Theo ghi nhận của cơ quan quản lý, các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm tới gần 70% số dự án mới, song vốn đầu tư chỉ chiếm gần 2,2% tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 3 tháng. “Điều đó cho thấy các NĐT nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam trong việc đưa ra các quyết định đầu tư mới”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
Thiếu vắng dự án quy mô lớn khiến vốn FDI vào Việt Nam chững lại |
Về vốn đăng ký điều chỉnh, có 292 lượt dự án (đã cấp phép từ các năm trước) với số vốn đầu tư tăng thêm 1,58 tỷ USD, giảm 64% so với cùng kỳ năm trước. Diễn biến này cũng trái ngược hoàn toàn so với cùng kỳ năm 2022 khi số vốn đăng ký điều chỉnh trong quý I năm nay tăng gấp hơn 200% so với cùng kỳ. Điểm sáng duy nhất trong bức tranh FDI quý I/2023 là vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của NĐT nước ngoài, với 776 lượt dự án, tương ứng tổng giá trị góp vốn 2,77 tỷ USD, tăng 51,8% so với cùng kỳ năm trước. Hình thức góp vốn, mua cổ phần tăng trưởng mạnh là nhờ thương vụ VPBank ký kết thỏa thuận bán 15% vốn cho SMBC, thu về 1,5 tỷ USD.
Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, sự thiếu vắng dự án quy mô lớn khiến vốn FDI vào Việt Nam chững lại rõ rệt trong quý đầu tiên của năm 2023. Cơ quan này cho rằng đây là dấu hiệu các tập đoàn lớn trên thế giới đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Không thể chậm trễ trong cuộc chơi toàn cầu
Theo các chuyên gia, thuế tối thiểu toàn cầu đang tác động tới hầu hết tập đoàn đa quốc gia, trong đó có rất nhiều tập đoàn lớn đang đầu tư tại Việt Nam. Đối với Việt Nam, việc thực thi cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu vừa tạo điều kiện để gia tăng nguồn thu thuế từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng đồng thời sẽ tác động trực tiếp tới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và môi trường đầu tư kinh doanh.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội lo ngại, hiện nay nhiều cơ quan quản lý có vẻ vẫn bình chân trước các thông tin về cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu và tác động của nó đối với Việt Nam. Theo ông Hiếu, trong khoảng 2-3 năm trở lại đây trước sự thay đổi của chính sách này, các NĐT nước ngoài đã hiểu rằng sớm hay muộn thì cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu cũng sẽ được thực thi. Vì vậy họ đã phải tạm dừng hoặc thận trọng hơn trong việc tính toán để rót vốn đầu tư vào các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Ông Hiếu kết luận, không phải đợi đến năm 2024 khi các quốc gia chính thức áp dụng, mà cơ chế này đã tác động tới Việt Nam từ trước đó vài năm.
Vấn đề đặt ra lúc này là cần hành động thế nào để ứng phó với cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu. Ông Hiếu cho rằng Việt Nam bắt buộc phải tham gia, vì với cách thiết kế luật chơi như hiện nay thì việc thu thuế, cách đánh thuế, các mức thuế suất… đều không phụ thuộc vào quyền quyết định của bất kỳ một quốc gia nào.
Bên cạnh đó, hiện NĐT nước ngoài rất mong muốn các quốc gia có tuyên ngôn chính thức của chính quyền sở tại xem phương châm hành động và cách xử lý thế nào, các nguyên tắc cơ bản trong ứng phó với chính sách này ra sao. Nếu một quốc gia không sớm đưa ra tuyên bố rõ ràng thì NĐT khó có quyết định đầu tư tại quốc gia đó. Vì vậy ông Hiếu khuyến nghị Việt Nam phải tuyên bố nguyên tắc ứng xử trước cuộc chơi này, trước khi đưa ra các biện pháp cụ thể. “Việt Nam nên tham gia cuộc chơi và đầu tiên cần tuyên bố thực hiện quyền đánh thuế, còn việc đền bù thì tính sau”, ông Hiếu chia sẻ quan điểm.
Ông Phan Vũ Hoàng, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cũng cho rằng, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đã tác động tới Việt Nam từ 10 năm trước, ngay khi cơ chế này còn đang trong giai đoạn “thai nghén”. Bởi lẽ từ cách đây 10 năm Deloitte có khảo sát với rất nhiều giám đốc thuế của các tập đoàn toàn cầu, kết quả là khoảng 70% trong số này đã luôn cảnh báo lo ngại về ảnh hưởng của các trụ cột liên quan tới chính sách này. “Trong thời gian qua, các tập đoàn đa quốc gia đều xem xét ứng phó của các quốc gia trước các trụ cột chính sách thuế của OECD như thế nào, có nhanh không và quan trọng nhất là có rõ ràng không, nếu rõ ràng thì sẽ quyết định lớn tới việc họ có đầu tư ở một quốc gia hay không”, ông Hoàng lưu ý.
Trước ảnh hưởng không thể tránh khỏi của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần sớm có tuyên bố chính thức và những thay đổi thực chất đối với môi trường đầu tư. Hiện nay các NĐT lớn đều cần được thấy các hành động, chiến lược thu hút FDI với các chính sách cụ thể từ Chính phủ các nước. Vì vậy, Việt Nam cần khẩn trương hoàn thiện các chính sách quan trọng liên quan tới thu hút FDI để giải quyết vấn đề này. “Bây giờ không có cách nào khác tốt hơn là thu hút đầu tư bằng cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh”, ông Hiếu nhấn mạnh.