Fed phát tín hiệu có thể nới lỏng mạnh hơn tiền tệ
Chủ tịch Fed Jerome Powell đang chịu khá nhiều sức ép về việc nới lỏng hơn nữa |
Mua tài sản, nhưng không phải QE
Biên bản cuộc họp chính sách diễn ra hôm 17-18/9 của Ủy ban thị trường mở (FOMC) cho thấy, các thành viên của Ủy ban lưu ý khả năng khôi phục việc mở rộng bảng cân đối tài sản của Fed để giúp ổn định dự trữ. Các nhà hoạch định chính sách cũng đề nghị FOMC xem xét triển khai công cụ repo mới nhằm kiểm soát lãi suất ngắn hạn.
Biên bản cuộc họp của Fed càng củng cố thêm cho đề xuất mới đây của Chủ tịch Fed Jerome Powell. Phát biểu tại một Hội nghị của Hiệp hội kinh tế thương mại quốc gia ở Denver mới đây, Chủ tịch Powell cho biết, Fed sẽ tiếp tục mua vào chứng khoán Kho bạc nhằm tránh lặp lại tình trạng hỗn loạn gần đây trên thị trường tiền tệ.
Còn nhớ thị trường tiền tệ tại Mỹ bất ngờ thiếu thanh khoản vào tháng trước do nhu cầu thanh toán thuế của doanh nghiệp và thanh toán các khoản đấu giá trái phiếu Kho bạc đến cùng một lúc, đẩy lãi suất ngắn hạn tăng vọt lên tới 10%, cao gấp 4 lần phạm vi lãi suất mục tiêu của Fed. Điều đó đã buộc Fed phải bơm thêm hàng tỷ USD vào hệ thống để hỗ trợ thanh khoản và kéo giảm lãi suất. Fed cũng cam kết sẽ tiếp tục hành động này cho tới tháng 10 để ổn định thanh khoản của thị trường.
“Chúng tôi không ngần ngại tiến hành các giải pháp tạm thời nếu cần thiết để thúc đẩy giao dịch trên thị trường quỹ liên bang với mức lãi suất trong phạm vi mục tiêu”, Powell nói. “Như chúng tôi đã chỉ ra trong tuyên bố tháng 3 về việc bình thường hóa bảng cân đối tài sản, đến một lúc nào đó, chúng tôi sẽ bắt đầu tăng tỷ lệ nắm giữ chứng khoán để duy trì mức dự trữ thích hợp… Hiện chính là thời điểm đó”, ông nói thêm.
Tuy nhiên Chủ tịch Fed nhấn mạnh rằng, không nên coi động thái này là việc tái khởi động chương trình nới lỏng định lượng (QE) mà Fed đã triển khai trong một thập kỷ trước để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi sau khủng hoảng. “Tôi muốn nhấn mạnh rằng sự tăng trưởng của bảng cân đối tài sản của chúng tôi là nhằm mục đích quản lý dự trữ, không nên nhầm lẫn với các chương trình mua tài sản quy mô lớn mà chúng tôi đã triển khai sau cuộc khủng hoảng tài chính”, ông nói.
Chủ tịch Fed cũng lưu ý rằng, những động thái hỗ trợ thanh khoản vừa qua của Fed cũng như việc mua tín phiếu Kho bạc mà Fed đang dự tính không làm thay đổi quan điểm chính sách tiền tệ của Fed. “Đây không phải là QE”, Powell nhấn thêm.
Để ngỏ khả năng cắt giảm thêm lãi suất
Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng gợi ý về khả năng Fed có thể cắt giảm thêm lãi suất. Cụ thể trong phần trả lời câu hỏi sau bài phát biểu của mình, Powell đã so sánh giai đoạn hiện tại với hai trường hợp trong những năm 1990 khi Fed cắt giảm lãi suất 3 lần và đã thành công trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhận xét của Powell cho thấy Fed đang tiến gần hơn tới việc giảm lãi suất tại cuộc họp sắp tới, nhưng Michael Gapen - Nhà kinh tế trưởng về Mỹ của Barclays Plc cũng lưu ý, đó không phải là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Trong khi đó theo Sarah House – một nhà kinh tế cấp cao của Wells Fargo & Co, “một lần cắt giảm lãi suất nữa, sớm nhất là trong tháng này, vẫn là một khả năng khá lớn”.
Ông Powell nói rằng, các hành động mà Fed thực hiện “đã hỗ trợ cho nền kinh tế” trong bối cảnh rủi ro gia tăng, chủ yếu là sự chậm lại của kinh tế toàn cầu, căng thẳng thương mại và bất ổn Brexit. “Rủi ro địa chính trị lan rộng là rất quan trọng trong thời điểm hiện nay. Bạn phải theo dõi chúng một cách cẩn thận và đánh giá những tác động”, Powell nói.
Kinh tế Mỹ gần đây đã có dấu hiệu chậm lại khi sự yếu kém từ bên ngoài đang thẩm thấu sâu hơn vào nền kinh tế trong nước và sự suy yếu không chỉ dừng lại ở khu vực sản xuất mà đang có xu hướng chuyển sang dịch vụ. Thị trường việc làm cũng bớt sáng hơn, ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp trong nửa thế kỷ là 3,5% vào cuối tháng 9. Theo đó, tăng trưởng việc làm trung bình chỉ đạt 157.000 việc làm mỗi tháng trong quý 3, thấp hơn nhiều so với mức tăng trên 200.000 việc làm trước đó.