Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất, nhưng có thể sẽ tạm dừng xu hướng nới lỏng
Trong một cuộc bỏ phiếu mà kết quả được thị trường tài chính lường đoán trước, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) đã hạ lãi suất chuẩn thêm 25 điểm cơ bản, xuống mức 1,5-1,75%. Lãi suất này áp dụng trong cho vay qua đêm giữa ngân hàng trung ương với các ngân hàng thương mại, nhưng cũng gắn chặt với hầu hết các hình thức cho vay tiêu dùng khác.
Đây là lần cắt giảm lãi suất thứ ba trong năm nay, như là một phần của những gì Chủ tịch Fed Jerome Powell đã mô tả là một “sự điều chỉnh giữa chu kỳ” nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Và đi cùng lần giảm lãi suất này là quan điểm cứng rắn hơn với việc ngăn lại chính sách nới lỏng trong tương lai.
FOMC đã loại bỏ một ý quan trọng từng xuất hiện trong các tuyên bố sau cuộc họp chính sách tháng 6, nói rằng họ cam kết “hành động phù hợp để duy trì tăng trưởng”. Powell đã dùng cụm từ này để mở đường cho lần cắt giảm lãi suất vào tháng 7, và nó đã được sử dụng làm quan điểm chính sách chính thức kể từ đó.
So với bối cảnh lúc đó thì quan điểm chính sách lần này mạnh mẽ hơn. “Ủy ban sẽ tiếp tục theo dõi các tác động đến triển vọng kinh tế vì nó sẽ quyết định đường đi phù hợp với mục tiêu lãi suất của Fed”, ông nói.
Chủ tịch Fed Jerome Powell thậm chí từng khẳng định rõ ràng hơn trong một cuộc họp báo, nói rằng các quan chức ngân hàng trung ương đã thấy lập trường hiện tại với chính sách tiền tệ có khả năng vẫn phù hợp.
Những thành viên thị trường cũng đã theo dõi xem liệu Fed có thể bắt đầu chỉ báo chính sách sẽ có sự điều tiết nào khác. Nhưng quan điểm chính sách mới cho thấy mức độ phụ thuộc dữ liệu kinh tế thậm chí tăng lên.
Trong khi thị trường dự đoán khả năng tới 100% Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp lần này, thì tỷ lệ dự đoán Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất trong cuộc họp thường kỳ diễn ra ngày 10-11/12 tới chỉ đạt có 25%, theo dữ liệu của CME.
Trong các bài phát biểu trước công chúng, Powell và nhiều quan chức Fed khác đã mô tả nền kinh tế Mỹ là mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi chi tiêu tiêu dùng vững chắc nhưng bị đe dọa bởi các yếu tố bên ngoài như sự yếu kém của kinh tế toàn cầu, chiến tranh thuế quan và bất ổn liên quan đến Brexit.
Fed trong tuyên bố lần này tiếp tục xem thị trường lao động là “duy trì mạnh mẽ” và hoạt động kinh tế “gia tăng với tốc độ vừa phải”. Diễn biến của hầu hết các đường tiêu chuẩn tham chiếu khác vẫn không thay đổi, mặc dù vậy Ủy ban cũng nhìn thấy những sụt giảm về đầu tư tài sản cố định và xuất khẩu, đồng thời lưu ý rằng các chỉ tiêu này “vẫn còn yếu”.
Quyết định giảm lãi suất của Fed được đưa ra cùng ngày với việc chính phủ báo cáo tăng trưởng GDP quý III là 1,9%, mặc dù giảm tốc so với quý trước nhưng cao hơn mức ước tính của Phố Wall là 1,6%. Việc làm mới tăng, mặc dù đã chậm lại trong những tháng gần đây nhưng cao hơn mức 109.000 chỗ làm mà Fed tại Atlanta ước tính là chỉ tiêu tối thiểu để giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp trong 50 năm là 3,5%.
Ngoài sự vững chắc của thị trường việc làm và chi tiêu của người tiêu dùng, thị trường chứng khoán nói chung cũng giao dịch xung quanh các mức cao mới.
Trong nội bộ Fed, thực tế đã có những bất đồng về việc có cần cắt giảm lãi suất thêm hay không. Chủ tịch khu vực Esther George của Kansas City và Eric Rosengren của Boston một lần nữa đã bỏ phiếu chống lại việc cắt giảm lãi suất, với cả hai đều giữ quan điểm rằng Ủy ban nên đã giữ lãi suất ở mức trước đó.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, mặt khác, đã thúc dục Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất và tiếp tục chương trình nới lỏng định lượng như ngân hàng trung ương đã từng sử dụng trong và sau cuộc khủng hoảng tài chính để kích thích nền kinh tế.
Fed đã mua trái phiếu một lần nữa, nhưng các quan chức khẳng định đây là nỗ lực nhằm ổn định lãi suất trong phạm vi mục tiêu thay vì “hồi sinh” QE. Tuy nhiên, bảng cân đối ngân hàng trung ương đã mở rộng thêm khoảng 100 tỷ USD trong tháng qua và trở lại mức trên 4 nghìn tỷ USD, trong đó 3,6 nghìn tỷ USD nằm ở trái phiếu chính phủ và chứng khoán thế chấp.
Tuyên bố chính sách hôm thứ Tư đề cập đến việc mở rộng bảng cân đối kế toán gần đây, lưu ý rằng các hoạt động trên thị trường mở sẽ tiếp tục được thực hiện ít nhất cho tới quý II/2020, trong khi các giao dịch kỳ hạn và repo nhằm ổn định thị trường qua đêm sẽ tiếp tục được duy trì ít nhất qua tháng 1 năm tới.