Fintech “nhúng” vào mọi ngõ ngách cuộc sống
Mảng bán lẻ đi đầu
Hệ thống bán lẻ điện tử, điện máy, thậm chí những lĩnh vực không liên quan đến tài chính như hàng không du lịch hiện nay đã cho phép các fintech và ngân hàng số “nhúng” vào hệ thống công nghệ để phát triển thanh toán và giao dịch. Theo các chuyên gia công nghệ, việc tích hợp này cho phép các DN tạo ra cơ hội phát sinh doanh thu mới với chi phí thấp, đồng thời mang lại trải nghiệm mới tiện lợi hơn cho khách hàng.
Qua quan sát trên thị trường, hoạt động tích hợp các dịch vụ tài chính số như: thanh toán trực tuyến, chiết khấu, khuyến mại, bảo lãnh bảo hiểm… vào danh mục dịch vụ trên các website, ứng dụng (app) di động của nhà bán hàng trong những năm gần đây đã được nhiều trang thương mại điện tử đa quốc gia phát triển rất mạnh. Chẳng hạn, sàn thương mại điện tử Lazada, Shoppe, Amazon từ nhiều năm qua đã tích hợp cổng thanh toán PayPal, Affirm bên cạnh các cổng thanh toán khác bằng ví điện tử hoặc thẻ tín dụng ở bên cạnh hệ thống bán lẻ để sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng thanh toán phi tiền mặt hoặc vay tiền qua thẻ mua sắm.
Hệ thống bán lẻ Việt Nam đi đầu cho ví điện tử nhúng vào thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt |
Khi việc tích hợp các cổng thanh toán đa dạng vào các trang thương mại trở nên phổ biến, nhiều hãng công nghệ tài chính lớn trên thế giới đã xây dựng và cung cấp ra thị trường những dịch vụ sẵn có để phục vụ các công ty thương mại điện tử. Chẳng hạn, hãng công nghệ của Mỹ Apple đã hợp tác với Green Dot Bank để tích hợp phần mềm Apple Cash với ví điện tử độc quyền, Google hợp tác với các ngân hàng để cung cấp tài khoản séc Google Pay.
Ở Việt Nam hiện nay các hãng công nghệ Haravan, BizWeb, Shopify, Big Ecommerce… đang dẫn đầu trong việc tạo ra nền tảng weblogs bán hàng tích hợp các nền tảng trung gian thanh toán để cung ứng cho các DN bán lẻ. Hầu hết các ứng dụng này đều hỗ trợ thanh toán bằng MasterCard, Visa, Paypal, thậm chí một số nền tảng còn hỗ trợ thanh toán qua thẻ nội địa để tạo ra nhiều lựa chọn thanh toán cho người mua hàng. Công nghệ tài chính nhúng vào danh mục dịch vụ trên website và app di động được nhiều nhà bán lẻ lựa chọn bởi tính tiện lợi và khả năng tiết giảm nhân sự, tạo ra doanh thu với chi phí thấp.
Đơn cử, Công ty cổ phần Thế giới Di động (mã chứng khoán MWG - HoSE), tích hợp các ứng dụng tài chính công nghệ giúp hỗ trợ hoạt động thu hộ tiền điện, nước, internet; tiền trả góp vốn vay, tiền thanh toán bảo hiểm… trong chuỗi bán lẻ Thegioididong.com và Dienmayxanh.com. MWG không phải lo quá nhiều vào nhân lực phụ trách mảng tài chính, trong đó có những phần việc như thu tiền trả góp của những món hàng bán trả chậm, tiết giảm được rất nhiều chi phí mà trước đó nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam này phải trả cho nhân viên của các công ty đối tác.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em - Tổng giám đốc MWG cho biết, doanh thu mỗi tháng thu từ các dịch vụ tài chính của công ty hiện nay ở mức 10.000 tỷ đồng, con số lớn hơn doanh thu của riêng chuỗi Thegioididong.com. Trong tương lai khi nguồn lực tài chính của MWG đủ lớn có thể mô phỏng theo bước đi của Shopify (một sàn thương mại điện tử) để mở rộng hệ sinh thái kinh doanh tích hợp nhằm cải thiện biên lợi nhuận cho mảng bán lẻ vốn ngày càng cạnh tranh.
Fintech tiếp tục thu hút vốn khởi nghiệp
Theo các chuyên gia tài chính, các nền tảng tài chính cộng nghệ nhúng vào hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ là cơ hội để các fintech mở rộng quy mô, tăng tốc độ thu hút các nhà đầu tư tham gia.
Ông Long Đỗ - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý quỹ Saigon Capital nhận định, trong tương lai gần các công ty lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử, phần mềm dịch vụ có sẵn và ứng dụng nghiên cứu giao dịch bất động sản… có thể lấn sân vào mảng fintech. Trong khi đó, các fintech hiện có trên thị trường sẽ có sự trưởng thành và chuyển tiếp từ một trung gian thanh toán như hiện nay sang các dịch vụ mở rộng như cho vay ngang hàng, quản lý tài chính… Đồng thời các fintech sẽ nhúng vào các lĩnh vực kinh doanh mới như: bất động sản, y tế, giáo dục và nông nghiệp để phục vụ việc chi tiêu cho người tiêu dùng.
Theo nghiên cứu của Saigon Capital, nhóm các quỹ đầu tư mạo hiểm hiện nay đang tập trung nguồn lực rất lớn cho các công ty khởi nghiệp liên quan đến công nghệ tài chính. Trong đó, những DN hoạt động trong lĩnh vực y tế, taxi công nghệ, bán lẻ hiện nay thu hút sự sự quan tâm nhiều hơn từ các quỹ tài chính đa quốc gia. Tuy nhiên, trong tương lai các lĩnh vực như: nhân sự, kho vận, xây dựng, nông nghiệp… đều có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn lớn nếu ý tưởng khởi nghiệp có sự liên kết giữa các ứng dụng công nghệ tài chính tạo ra một hình sinh thái thu hút một dòng tiền thanh toán đủ lớn.
Các chuyên gia công nghệ tài chính cho rằng, hiện nay tốc độ phát triển của lĩnh vực công nghệ tài chính đang rất mạnh mẽ. Một số nền tảng ứng dụng tài chính đã đi qua giai đoạn kết nối giữa các công ty fintech và nhà sản xuất kinh doanh hàng hóa và đã bước vào giai đoạn tích hợp tự nhiên của các quy trình tài chính công nghệ thông qua một nền tảng hiện có. Dự báo, trong 5-7 năm tới cuộc cạnh tranh giữa các nền tảng tài chính công nghệ sẽ rất sôi động.
Thời gian qua, VietinBank là ngân hàng đầu tiên cho phép fintech nhúng vào hệ thống ngân hàng số và một số ngân hàng khác cũng đang cho phép fintech nhúng vào để tạo ra tất cả trong một ứng dụng. Đi cùng với đó, các ngân hàng đã nâng cấp hệ thống công nghệ để liên kết nhiều hơn các dịch vụ hàng hóa bán lẻ khác như các trang đặt phòng khách sạn như Agoda, Vietnam Airlines, bệnh viện… Điều này cho thấy công nghệ tài chính nhúng vào hệ thống bán lẻ hàng hóa dịch vụ đang trở thành hiện thực chứ không còn là một xu hướng.