Gần 1.400 tỷ đồng ngăn mặn cho vùng sầu riêng xuất khẩu
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, địa phương này hiện đang tích cực triển khai đầu tư xây dựng 6 cống ngăn mặn tại đầu các kênh, rạch ra sông Tiền trên đường Tỉnh lộ 864, đồng thời hoàn thiện tuyến đê dọc sông Tiền nhằm ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ gần 100.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho gần 1,1 triệu người dân của 2 tỉnh Tiền Giang và Long An.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, từ đầu mùa khô 2023-2024, để đầu tư cho các dự án thủy lợi này, địa phương đã dự toán kinh phí khoảng 1.380 tỷ đồng. Hiện nay, một số công trình thủy lợi đầu mối đã cơ bản hoàn thành và có thể đưa vào vận hành. Tuy nhiên, các địa phương nằm trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi nước mặn vẫn cần chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước, độ mặn trên kênh rạch và trong nội đồng trong mùa khô hạn để có biện pháp ứng phó hữu hiệu trong các tháng tới.
Khoảng 2.500 ha sầu riêng tại Tiền Giang có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn trong mùa khô |
Theo ông Mẫn, hiện nay, tại Tiền Giang, nhất là địa bàn huyện Cai Lậy, có khoảng trên 4.750 ha vườn cây ăn trái; trong đó có 2.500 ha sầu riêng, 2.000 ha thanh long, còn lại là các cây trồng khác nằm trong vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai, xâm nhập mặn. Địa phương đã yêu cầu các nhà vườn, nông dân xử lý rải vụ để tránh thời điểm cây mang trái bị ảnh hưởng thiên tai sẽ suy kiệt và thiệt hại khó lường.
Được biết, ngoài các dự án ngăn mặn do tỉnh Tiền Giang đầu tư triển khai, hiện các địa phương có vùng trồng sâu riêng trọng điểm tại tỉnh này (như xã Ngũ Hiệp, xã Tân Phong, xã Tam Bình - huyện Cai Lậy) cũng đã chủ động trích ngân sách từ 7-15 tỷ đồng đầu tư các đập tạm và sửa chữa các cống trên địa bàn, đảm bảo ngăn mặn, bảo vệ các vùng nguyên liệu sầu riêng xuất khẩu giá trị cao.
Liên quan đến vùng nguyên liệu sầu riêng xuất khẩu, được biết hiện nay, Tiền Giang là một trong những tỉnh có vùng trồng loại trái cây này lớn nhất cả nước với diện tích trên 17.600 ha, sản lượng hơn 300.000 tấn/năm. Tỉnh này cũng đang có khoảng 70 cơ sở đóng gói sầu riêng được cấp mã số xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc với diện tích 2.400 ha.
Trong năm 2023 vừa qua, các TCTD tại Tiền Giang cũng rất chú trọng cho vay đối với các doanh nghiệp, nhà vườn, hợp tác xã trồng, chế biến, xuất khẩu sầu riêng. Chỉ tính đến giữa năm ngoái, tổng dư nợ cho vay đối với ngành hàng sầu riêng tại các địa bàn huyện Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành và thị xã Cai Lậy đã đạt khoảng 2.900 tỷ đồng với gần 10.000 khách hàng vay vốn. Huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy là những địa bàn có dư nợ cho vay ngành sầu riêng nhiều nhất tại Tiền Giang. Đa phần khách hàng vay vốn là cá nhân, hộ gia đình vay với mục đích cải tạo vườn sầu riêng và thu mua, tiêu thụ, phục vụ chế biến xuất khẩu.