Giá cà phê tăng cao nhất trong vòng 30 năm qua
Cà phê Việt thách thức vùng giá mới Xây dựng chuỗi cung ứng cà phê không gây mất rừng Ngành cà phê cần sẵn sàng trước quy định mới của EU |
Theo VICOFA, thời gian qua, nhiều nhà vườn chuyển từ trồng cà phê sang trồng cây ăn quả. Ngoài ra, vườn cà phê thâm canh nay cũng được nông dân trồng xen canh cây sầu riêng khiến sản lượng cà phê của nước ta sụt giảm.
Ước tính, sản lượng cà phê năm nay giảm 10 - 15% do thời tiết không thuận lợi. Tuy nhiên, giá cà phê xuất khẩu từ nay đến cuối năm vẫn khả quan do cầu tăng, trong khi cung không được cải thiện.
Việc giá cà phê tăng đến thời điểm hiện nay là do lượng cà phê trong dân cũng như của doanh nghiệp đã cạn. Doanh nghiệp trong tình trạng hết cà phê để bán, chờ vụ thu hoạch trong tháng 10 tới đây.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 8, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt gần 85 nghìn tấn, thu về 258,5 triệu USD, giảm 25,1% về lượng và giảm 2,9% về giá trị so với tháng 8 năm ngoái. Tính chung 8 tháng, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,2 triệu tấn, trị giá gần 3 tỷ USD, giảm 5,4% về lượng nhưng tăng 3,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù khối lượng suy yếu, song giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam tăng tháng thứ 6 liên tiếp, ghi nhận mức cao mới trong tháng 8, đạt kỷ lục 3.054 USD/tấn, tăng 8% so với tháng trước đó và tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta trong 8 tháng đạt 2.463 USD/tấn, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu lượng cà phê xuất khẩu những tháng cuối năm bằng với cùng kỳ năm trước và giá xuất khẩu bằng với những tháng đầu năm, lượng cà phê xuất khẩu cả năm 2023 sẽ đạt khoảng 1,7 triệu tấn, trị giá 4,2 tỷ USD. Đây sẽ là mức kim ngạch kỷ lục mới của ngành cà phê.