Giá dầu có thể tăng mạnh nếu xung đột leo thang
Xung đột Trung Đông ‘nóng’ lên, giá dầu và kim loại quý tăng mạnh Lực bán áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới |
Có thể lên đến 100 USD/thùng
Đầu phiên giao dịch ngày 16/4 trên sàn New York Mercantile Exchange, giá WTI giao tháng 6/2024 ở mức 85,34 USD/thùng, tăng nhẹ 0,23 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 15/4. Giá dầu Brent giao tháng 6/2024 đứng ở mức 90,59 USD/thùng, đi ngang so với cùng thời điểm ngày 15/4. Như vậy kể từ thời điểm nổ ra cuộc tấn công cuối tuần trước của Iran vào Israel với ít thiệt hại trên thực tế, diễn biến giá dầu gần đây vẫn đang ở xu hướng đi ngang và giảm nhẹ so với thời điểm trước khi xảy ra cuộc tấn công này. Điều này một phần phản ánh sự thận trọng của thị trường về các diễn biến tiếp theo, mặt khác là kỳ vọng tình hình sẽ không xấu đi thêm nữa.
Tuy nhiên, lo ngại các hành động trả đũa lẫn nhau và căng thẳng có thể diễn ra trên quy mô rộng, mức độ khốc liệt hơn vẫn đang hiện hữu. Các nhà quan sát thị trường cho rằng, giá dầu có thể tăng vọt lên 100 USD/thùng, thậm chí cao hơn thế nữa nếu điều này xảy ra. Iran là quốc gia có nguồn tài nguyên dầu mỏ khổng lồ và là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba trong Nhóm OPEC. Do đó, bất kỳ sự gián đoạn nào trong khả năng cung cấp của Iran cho thị trường toàn cầu đều có thể khiến giá dầu tăng cao. Bên cạnh đó, các diễn tiến tiếp theo, như nguy cơ eo biển Hormuz - nơi hơn 1/4 sản lượng dầu toàn cầu chảy qua hàng ngày - có bị đóng cửa hay không cũng là vấn đề mà mà các thị trường đang dõi theo chặt chẽ.
Andy Lipow, Chủ tịch của công ty tư vấn Lipow Oil Lipow Associates, dự đoán: “Bất kỳ cuộc tấn công nào vào các cơ sở sản xuất hoặc xuất khẩu dầu ở Iran sẽ đẩy giá dầu thô Brent lên 100 USD/thùng và việc đóng cửa eo biển Hormuz sẽ khiến giá dao động trong khoảng 120 USD đến 130 USD/thùng”.
Bên cạnh những căng thẳng và rủi ro lớn trong ngắn hạn như vậy, việc dầu mỏ đối mặt với sự sụt giảm tự nhiên đáng kể về sản lượng, hay hoạt động đầu tư “dưới mức” cũng đặt ra những áp lực với giá dầu Josh Young, Giám đốc danh mục đầu tư tại công ty đầu tư dầu khí Bison Interests cho rằng, việc nhiều năm thiếu đầu tư vào thăm dò và phát triển dầu mỏ, kết hợp với sự leo thang căng thẳng địa chính trị gần đây khiến nguồn cung dầu thô toàn cầu rơi vào trạng thái dễ bị tổn thương hơn. “Đầu tư không đủ khiến nguồn cung trở nên mong manh hơn và làm tăng khả năng giá tăng đột biến lên trên 100 USD nếu nguồn cung bị gián đoạn. Tôi nghĩ giá dầu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại trong chu kỳ này, do một thập kỷ thiếu đầu tư vào thăm dò và phát triển”, ông Josh Young nói.
Trong một báo cáo đưa ra vào thứ Hai, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) có trụ sở tại Paris, cho biết: Xung đột ngày càng sâu sắc đang làm tăng “nguy cơ biến động gia tăng trên thị trường dầu mỏ và cho thấy một lời nhắc nhở mới về tầm quan trọng của an ninh dầu mỏ”.
Một nhà máy lọc dầu ở Iran |
“Điểm nghẽn” làm thay đổi cuộc chơi
Cuộc tấn công vừa qua của Iran làm tăng nguy cơ xung đột có thể làm gián đoạn việc vận chuyển qua eo biển Hormuz, một tuyến đường thủy hẹp và nơi hơn 1/4 lượng dầu mỏ thương mại toàn cầu - bao gồm cả dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ như xăng - chảy qua mỗi ngày. Theo Simone Tagliapietra thuộc tổ chức tư vấn Bruegel, nếu xung đột leo thang hơn nữa, như khả năng Tehran có thể phong tỏa toàn bộ eo biển này thì hậu quả sẽ rất lớn.
Đồng quan điểm, Richard Bronze, nhà đồng sáng lập và nhà phân tích tại công ty dữ liệu Energy Aspects, cho rằng: “Đây là điểm nghẽn quan trọng nhất trong thị trường dầu mỏ toàn cầu. Bất kỳ sự gián đoạn đáng kể nào cũng sẽ có tác động lớn đến nguồn cung dầu và giá dầu toàn cầu”.
Iran hiện là nhà sản xuất dầu mỏ lớn và là thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhưng xuất khẩu phần lớn dầu sang Trung Quốc do các lệnh trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên theo Richard Bronze, nếu xảy ra tình huống Iran giảm xuất khẩu dầu sẽ có tác động lớn đến thị trường toàn cầu, vì đối tác nhập khẩu Trung Quốc sẽ buộc phải cạnh tranh với các nước khác để có nguồn cung ở nơi khác.
Theo dữ liệu của IEA, Iran đã sản xuất tổng cộng 3,25 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong tháng 3 vừa qua. Trong khi đó Richard Bronze cho biết, hiện Iran xuất khẩu khoảng 1,5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, tương đương 1,5% nguồn cung dầu toàn cầu. Eo biển Hormuz là tuyến đường chính cho các nhà xuất khẩu dầu ở Trung Đông, bao gồm các thành viên OPEC như Ả Rập Saudi, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bronze cho biết. Vì vậy chuyên gia này cho rằng, nếu căng thẳng leo thang dẫn đến sự gián đoạn hoặc tắc nghẽn ở eo biển Hormuz sẽ là yếu tố “thay đổi cuộc chơi”. Tuy nhiên, Bronze cũng nhận định: “Con đường có khả năng xảy ra nhất thời gian tới là sau cuộc tấn công vừa qua, diễn biến tình hình sẽ theo hướng giảm leo thang thay vì căng thẳng hơn nữa”, khi các đồng minh của Israel đều kêu gọi nước này thể hiện sự kiềm chế.
Thị trường dầu mỏ thời gian qua đã ghi nhận sự tăng giá đáng kể. Tính từ thời điểm giá dầu ghi nhận mức thấp vào đầu tháng 2 trở lại đây, giá dầu Brent đã tăng hơn 16%, hiện dao động quanh ngưỡng 90 USD/thùng; trong khi giá dầu WTI cũng tăng gần 19%, dao động quanh ngưỡng 85 USD/thùng. Lý giải về lý do khiến giá dầu không tăng, thậm chí giảm nhẹ sau cuộc tấn công của Iran, chuyên gia Bronze của Energy Aspects cho biết chủ yếu vì giá đã tăng mạnh vào tuần trước (nhất là phiên giao dịch vào thứ Sáu - một ngày trước khi cuộc tấn công diễn ra) trong bối cảnh thị trường đều dự đoán về một cuộc tấn công của Iran.
Ngoài những rủi ro lớn theo hướng có thể đẩy giá dầu tăng sốc, cũng còn các yếu tố khác có thể gây áp lực tới giá dầu trong thời gian tới. Trong đó theo chuyên gia Bronze, nhu cầu nhiên liệu tăng theo mùa, nền kinh tế Mỹ đang mạnh mẽ, các dấu hiệu cải thiện của kinh tế Trung Quốc… cũng tạo ra các lực đẩy cho giá dầu. Trong khi đó từ phía cung, lệnh hạn chế xuất khẩu kéo dài của OPEC+ đã và đang giữ nguồn cung dầu thô toàn cầu bị thắt chặt.