Giá đường cao kỷ lục, cần kíp tạo lại vùng nguyên liệu mía
Theo thống kê của Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá đường thế giới các phiên giao dịch gần đây quanh mức 599,2 - 616,2 USD/tấn, tăng khoảng 150% so với hồi đầu năm. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 15 năm qua đối với ngành mía đường toàn cầu.
Tại thị trường trong nước, theo thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), từ khi kết thúc niên vụ mía 2022/2023 (tính từ 1/7/2022 - 30/6/2023), giá đường bán ra trung bình của các nhà máy cũng đã có sự tăng tương ứng.
Cụ thể, vào thời điểm tháng 6/2023 giá đường trung bình khoảng 20.000-22.000 đồng/kg, thì hiện nay đã đạt mức 26.000-32.000 đồng/kg, tức tăng thêm khoảng 6.000-10.000 đồng/kg, tùy loại sản phẩm.
VSSA nhận định, việc giá mía đường thế giới tăng cao kỷ lục thời gian qua là do sản lượng đường ở hai quốc gia xuất khẩu đường hàng đầu thế giới là Ấn Độ, Brazil đều sụt giảm mạnh, gây thiếu hụt nguồn cung.
Theo đó, trong tháng 10/2023 Brazil chỉ xuất khẩu 2,88 triệu tấn đường, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tại Ấn Độ, ngành nông nghiệp nước này dự báo sản lượng đường trong niên vụ 2023/2024 sẽ giảm khoảng 8% so với vụ trước do nguồn cung mía bị ảnh hưởng bởi El Nino.
Về phía Việt Nam, theo nhận định của nhiều công ty chứng khoán, từ khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực, thuế nhập khẩu đường của Việt Nam từ các nước ASEAN đã giảm từ mức 85% xuống còn 5%. Điều này khiến cho việc nhập khẩu đường của Việt Nam tăng liên tục và tỷ lệ tự chủ nguyên liệu mía để sản xuất đường của các nhà máy trong nước ngày càng giảm.
Cụ thể, trước khi thực hiện giảm thuế xuất nhập khẩu, sản lượng đường tại Việt Nam đáp ứng khoảng 80 - 90% nhu cầu. Tuy nhiên, sau khi thực hiện theo cam kết của ATIGA, niên vụ 2019/2020 (là niên vụ đầu tiên áp dụng giảm thuế) sản lượng đường trong nước đã giảm 34,6% so với niên vụ trước do người dân không còn mặn mà với trồng. Trong khi đó nhu cầu đường tăng trưởng 29,2% khiến lượng đường nhập khẩu của niên vụ này tăng gấp 3 lần so với niên vụ 2018/2019.
Hiện Việt Nam là quốc gia nhập khẩu đường lớn thứ ba Đông Nam Á và là nước nhập khẩu đường nhiều thứ 13 trên toàn thế giới.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã ban hành các quyết định áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức đối với đường mía Thái Lan ở mức 47,64%, đồng thời áp thuế chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía từ 5 nước ASEAN là: Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào và Myanmar.
Việc áp dụng các loại thuế phòng vệ thương mại này phần nào đã kích thích các địa phương phục hồi vùng nguyên liệu mía. Theo đó, các số liệu từ VSSA cho thấy, niên vụ 2022/2023, diện tích trồng mía của cả nước đã đạt gần 142.000 ha, tăng 13,75%. Sản lượng mía đạt gần 9,5 triệu tấn, tăng khoảng 28% so với niên vụ 2021/2022. Sản lượng sản xuất đường đạt trên 935.000 tấn, tăng hơn 26% so với niên vụ trước.
Mặc dù đây là những tín hiệu tích cực đối với hoạt động tự chủ nguyên liệu mía đường, tuy nhiên so với thời điểm trước khi áp dụng giảm thuế theo ATIGA, diện tích mía đã sụt giảm đáng kể (giảm khoảng 58.000 ha so với trước 2019). Trong khi đó, mức tăng 26% của sản xuất đường trong nước cũng không quá nổi bật so với mức tăng 20% của lượng đường nhập khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây.
Vùng mía nguyên liệu tại các địa phương sụt giảm hàng chục nghìn hecta trong những năm gần đây |
Để khôi phục vùng nguyên liệu mía, hiện nay, ngành Mía đường tại nhiều địa phương áp dụng chính sách hỗ trợ đầu tư và bao tiêu thu mua mía thành phẩm cho người dân và các hợp tác xã.
Theo ghi nhận tại một số tỉnh trồng mía trọng điểm như Tây Ninh, Hậu Giang, các doanh nghiệp đang đầu tư hỗ trợ trồng mới mía với mức đầu tư 45 triệu đồng/ha; mía lưu gốc là 25 triệu đồng/ha, giá thu mua mía khoảng 1-1,3 triệu đồng/tấn, giá mía giống khoảng 1,4 triệu đồng/tấn.
Ngành Mía đường đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ phục hồi vùng nguyên liệu mía với quy mô khoảng 250.000 ha, đến năm 2028 đạt quy mô 300.000 ha, tức là tương đương với thời kỳ canh tác thịnh vượng khi sản xuất đáp ứng gần đủ nhu cầu tiêu dùng.
Trước mắt, trong niên vụ 2023/2024, theo VSSA, diện tích mía thu hoạch dự kiến sẽ đạt trên 159.100 ha (tăng 12% so với niên vụ 2022/2023); sản lượng mía chế biến 10,9 triệu tấn (tăng 13%); sản lượng đường trên 1 triệu tấn (tăng 10%).
Tuy nhiên, VSSA khuyến cáo các doanh nghiệp cần sớm xem xét hiệp thương với nông dân trồng mía và địa phương, đồng thời tiếp tục điều chỉnh tăng giá thu mua mía nguyên liệu trong vụ mới nhằm bảo đảm nông dân bù đắp đủ chi phí, có thu nhập đủ sống để yên tâm phát triển cây mía, phục hồi vùng nguyên liệu.