Giá gạo xuất khẩu tăng cao nhất trong vòng 10 năm
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 3,9 triệu tấn gạo, đạt giá trị 2,02 tỷ USD, tăng 40,8% về khối lượng và 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Kết quả tích cực trên nhờ giá gạo tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022, bình quân đạt mức 517 USD/tấn trong 5 tháng đầu năm. Đây cũng là mức giá gạo xuất khẩu cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Giá gạo xuất khẩu trung bình của Việt Nam hiện ở mức 517 USD/tấn. |
Về chi tiết các thị trường nhập khẩu, tính đến hết tháng 4, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 42,4%, đạt 1,29 triệu tấn và 647,5 triệu USD, tăng 40,6% về khối lượng và 53,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu gạo sang thị trường lớn thứ hai là Trung Quốc cũng tăng lên mức cao nhất trong 5 năm qua với trên 507.000 tấn, trị giá hơn 292,56 triệu USD, tăng 70,8% về lượng và tăng 88,27% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 17,5% khối lượng gạo xuất khẩu.
Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, thị trường có giá trị tăng mạnh nhất là Indonesia (gấp 26,3 lần). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Bờ Biển Ngà (giảm 49,8%).
Được biết, trong 3 năm trở lại đây, thị trường xuất khẩu gạo thuận lợi nên sản lượng đều tăng hằng năm. Cụ thể, năm 2020, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 6,15 triệu tấn; năm 2021 tăng lên 6,2 triệu tấn; năm 2022 tăng vọt lên 7,1 triệu tấn và 5 tháng đầu năm 2023 đã xuất khẩu gần 3,9 triệu tấn.
Trong khi đó, theo Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 26/5 thì đến năm 2030, Việt Nam dự kiến chỉ xuất khẩu 4 triệu tấn gạo nhưng giá trị đạt khoảng 2,62 tỷ USD. Điều này có nghĩa Việt Nam muốn tăng đơn giá gạo xuất khẩu bình quân lên 655 USD/tấn nhờ vào phát triển và mở rộng tỷ trọng các thương hiệu gạo quốc gia phục vụ xuất khẩu.