Gia hạn thông tư 02: “Liều thuốc bổ” trợ lực doanh nghiệp
Gia hạn Thông tư 02: Thêm cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi |
Nỗ lực lớn của ngành Ngân hàng
Được triển khai từ tháng 4/2023, Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn đã thực sự phát huy được hiệu quả.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) thông tin, lũy kế đến 31/12/2023, đã có gần 188 nghìn lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu là trên 183,5 nghìn tỷ đồng.
Theo bà Giang, việc cho phép TCTD thực hiện cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn đã tạo điều kiện cho khách hàng có thể được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không phải chuyển nhóm nợ xấu. Qua đó, giúp khách hàng giảm áp lực trả nợ lãi, cũng như có điều kiện được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, có nguồn tài chính để tìm kiếm việc làm, nguồn thu nhập mới để trả nợ vay.
Tuy nhiên, Thông tư này sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 6 tới đây. Song, trong bối cảnh nền kinh tế mới bắt đầu phục hồi, doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, NHNN đã trình Chính phủ gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng nữa. Các chuyên gia đánh giá, đây là tin vui cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.
Quyết định gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng đem đến niềm vui cho cả ngân hàng và doanh nghiệp |
Là chủ doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng, ông Nguyễn Bá Duy (tỉnh Ninh Bình) cho biết, một vài tháng gần đây, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đã bắt đầu khởi sắc trở lại, nhu cầu về vốn tăng lên. Nếu được gia hạn thêm thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ sẽ là một hỗ trợ rất quý cho doanh nghiệp. Bởi nếu được kéo dài thời gian cơ cấu đến cuối năm, doanh nghiệp tự tin sẽ có thể hoàn thành nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng.
PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đánh giá, nợ xấu của các nhà băng dự báo sẽ đạt đỉnh vào quý II. Do vậy, việc kéo dài Thông tư 02 thêm 6 tháng là hợp lý. “Với tín hiệu tích cực của kinh tế trong quý I, kinh tế Việt Nam năm nay sẽ có sự hồi phục mạnh. Kỳ vọng rằng sau khi đạt đỉnh, nợ xấu sẽ giảm và thời hạn kéo dài Thông tư 02 thêm 6 tháng là đủ để doanh nghiệp xoay xở, chi trả khoản nợ. Về phía ngân hàng cũng có thời gian tái cơ cấu nợ, “cứu” được những khoản nợ có thể “hồi sinh”, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu không ở mức quá cao”, PGS-TS. Huân chia sẻ.
“Với tín hiệu tích cực của kinh tế trong quý I, kinh tế Việt Nam năm nay sẽ có sự hồi phục mạnh. Kỳ vọng rằng sau khi đạt đỉnh, nợ xấu sẽ giảm và thời hạn kéo dài Thông tư 02 thêm 6 tháng là đủ để doanh nghiệp xoay xở, chi trả khoản nợ. Về phía ngân hàng cũng có thời gian tái cơ cấu nợ, “cứu” được những khoản nợ có thể “hồi sinh”, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu không ở mức quá cao”, PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân chia sẻ. |
Đồng quan điểm, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng, kéo dài Thông tư 02 thêm 6 tháng là nỗ lực rất lớn của ngành Ngân hàng. Điều này sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp có khoảng thời gian thu xếp trả được nợ, hỗ trợ rất tốt cho thanh khoản và kế hoạch tài chính của doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế bắt đầu phục hồi. Doanh nghiệp vẫn được duy trì tín nhiệm tín dụng và có thêm thời gian tái cơ cấu tình hình tài chính của mình, không bị áp lực về chuyển nhóm nợ xấu. Phía ngân hàng cũng có thêm thời gian sắp xếp lại danh mục tài sản của mình.
Tránh tạo tâm lý ỷ lại
Lý giải việc vì sao NHNN đề xuất thời gian gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng chứ không phải 1 năm như nhiều doanh nghiệp kỳ vọng, các chuyên gia cho rằng đây là quyết định đúng đắn, phù hợp với bối cảnh hiện tại để tránh tạo tâm lý ỷ lại trong các doanh nghiệp.
Cụ thể, theo PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân, hiện đã qua thời bao cấp và nền kinh tế đang vận hành theo quy luật thị trường, doanh nghiệp đã ra “biển lớn”, vì vậy phải tự lực cánh sinh, lường trước những khó khăn có thể xảy ra để thu xếp kế hoạch tài chính của mình, nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ một phần. “Nếu thời gian gia hạn quá dài sẽ không tốt cho nền kinh tế. Nợ xấu tiềm tàng tăng mạnh có thể gây rủi ro sau này”, ông Huân đánh giá.
Về điều này, TS. Lê Duy Bình cũng nhận định, không nên kéo dài gia hạn Thông tư 02 quá lâu và NHNN nên phát đi thông điệp đây là lần cuối cùng gia hạn thông tư này. Bởi lẽ, nền kinh tế đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, tình hình hấp thụ vốn tích cực hơn. Trong bối cảnh đó, phải để thị trường vận hành theo đúng quy luật và nguyên tắc thương mại, không nên kéo dài các hình thức hỗ trợ quá lâu sẽ không đảm bảo được tính kỷ luật của thị trường, ảnh hưởng tới chất lượng tài sản có của ngân hàng, làm giảm nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, để thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế và doanh nghiệp thì chính sách tài khoá cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, thông qua một số chính sách miễn, giảm thuế. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh hơn nữa thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, tháo gỡ khó khăn tiếp cận vốn trung - dài hạn của doanh nghiệp. Đó là yêu cầu trước mắt và lâu dài, bởi lẽ không thể phụ thuộc mãi vào nguồn vốn từ phía các ngân hàng.
“Để nền kinh tế phục hồi và hoạt động một cách hiệu quả, thị trường vốn phải phát triển một cách lành mạnh, bền vững với sự tham gia của nhiều bên chứ không thể dựa vào tín dụng ngân hàng”, TS. Lê Duy Bình nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, theo giới chuyên môn, bên cạnh nỗ lực của hệ thống ngân hàng, khi mà các giải pháp chính sách tiền tệ gần như tới hạn, cần phải có sự phối hợp đồng bộ của các chính sách khác để hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đề xuất, trong thời gian tới, cần nâng cao hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định vĩ mô, bình ổn tỷ giá, thị trường tài chính - tiền tệ, đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, chính sách tài khóa giữ vai trò chủ lực, cần được mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, gắn với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và các chính sách miễn, giãn, hoãn thuế, phí tương tự như năm 2023; chính sách tiền tệ đóng vai trò hỗ trợ, theo hướng chủ động, linh hoạt, tăng khả năng tiếp cận tín dụng gắn với kiểm soát rủi ro và xử lý nợ xấu; chú trọng kiểm soát rủi ro hệ thống.