Giá vé máy bay cao “cản bước” du lịch phục hồi
Giá vé máy bay tăng khiến du lịch gặp khó Cục Du lịch trăn trở khi giá vé máy bay tăng cao |
Tour ngoại rẻ hơn tour nội
Theo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hoạt động du lịch của nước ta dù có khó khăn nhưng cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong quý I/2024, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 4,64 triệu lượt, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2023; khách du lịch nội địa ước đạt 30 triệu lượt, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ du lịch ước đạt 195,1 nghìn tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2023.
Hàng không được ví như đôi cánh để ngành du lịch “bay lên” |
Bước sang quý II/2024, cơ hội của ngành du lịch sẽ nhiều hơn khi bước vào kỳ nghỉ lễ và cao điểm hè. Tuy nhiên, cơ hội này đang gặp thách thức rất lớn khi vé máy bay nội địa ở mức cao chưa từng có. Theo khảo sát của phóng viên, chỉ tính riêng chặng bay Hà Nội - Đà Nẵng vào dịp lễ 30/4-1/5, Vietnam Airlines khai thác có mức giá rẻ nhất cho chiều đi và chiều về là 2,499 triệu đồng/chiều; Vietravel có giá vé bay một chiều gần 1,9 triệu đồng/chiều; Bamboo Airways khai thác chặng bay này với giá một chiều là hơn 2 triệu đồng. Như vậy, cả chuyến đi và về, hành khách sẽ phải chi trả ít nhất từ 5 triệu đồng/khách cho vé máy bay.
Theo chị Nguyễn Khánh My, (TP. Hà Nội), nếu gia đình chị đưa hai con đi chơi dịp này bằng máy bay sẽ tốn gần 20 triệu đồng, đây là mức chi phí quá cao. Trong khi đó, các tour đi nước ngoài như Trung Quốc, Thái Lan... chỉ khoảng 10 triệu đồng đã bao gồm vé máy bay khứ hồi, khách sạn cho 3 ngày 2 đêm. “Chênh lệch lớn như vậy thì tour đi nước ngoài vừa rẻ, vừa được đi chơi xa, cảnh lạ…”, chị My tính toán.
Không chỉ người dân, các đơn vị bán tour du lịch nội địa cũng đang bối rối. Chị Hồng Quyên, Giám đốc điều hành Let’s go Tour cho biết, kì nghỉ lễ kéo dài lẽ ra là cơ hội tốt cho việc kích cầu du lịch nội địa, nhưng giá vé máy bay cao khiến người dân dường như chẳng mấy mặn mà. Suốt 3 tháng đầu năm và kéo dài đến tháng 4/2024, một số hãng hàng không vẫn đang “loay hoay” với bài toán thiếu máy bay nên giá vé tăng cao bất thường. Giá chưa kịp giảm đến đầu tháng 3, trần giá vé máy bay nội địa tăng khoảng 3,75%, tương đương tăng 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều. Giá vé máy bay tăng cao khiến các tour du lịch nội địa của công ty cũng phải tăng giá, hoạt động khuyến mãi, kích cầu cũng phải giảm tối đa.
Vì giá tour nội địa tăng cao, chị Hồng Quyên cho biết, doanh nghiệp đành phải chuyển hướng tăng tần suất các tour nước ngoài giá rẻ hơn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, đơn vị cũng tăng tần suất khai thác khách đoàn đi bằng đường bộ là chủ yếu để giúp khách tiết kiệm chi phí và chủ động hơn trong việc chọn tour thay vì phải vất vả “săn” vé máy bay.
Cùng tìm tiếng nói chung
Theo một chuyên gia, vận tải hàng không là phương tiện được du khách ưu tiên lựa chọn hàng đầu do khả năng có thể đưa khách tới những điểm đến xa một cách nhanh chóng và thuận tiện. Tuy nhiên, việc thiếu máy bay và tăng trần giá vé trước thềm dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 đã ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch nội địa. Nếu không có sự phối hợp chặt chẽ với ngành du lịch, người dân rất có thể “quay lưng” với hàng không và du lịch nội địa dịp hè. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc hút với cả du khách trong nước lẫn quốc tế, gây khó khăn cho chuỗi cung ứng ngành dịch vụ du lịch.
Hàng không được ví như đôi cánh của du lịch, chỉ có thể cất cánh nếu cả hai cùng tìm được tiếng nói chung. Do đó, ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng Giám đốc AZA Travel mong muốn, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có động thái đối với các hãng hàng không để giúp doanh nghiệp lữ hành tổ chức chương trình du lịch nội địa với giá hợp lý.
Chia sẻ về vấn đề này tại Họp báo thường kỳ quý I/2024 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch diễn ra ngày 11/4, ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, câu chuyện vé máy bay nội địa tăng cao đang làm đau đầu các nhà quản lý ngành du lịch cũng như các doanh nghiệp lữ hành. Đây là vấn đề liên quan đến cấp có thẩm quyền về quản lý vận tải hàng không. Sắp tới, Cục sẽ đề xuất để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đánh giá lại nhu cầu, chi phí để có chính sách phù hợp. Song, để ngay lập tức đưa ra một phương án, con số cụ thể cho vấn đề này thì cần nhiều thời gian và kế hoạch cụ thể giữa các cơ quan quản lý.
Trước mắt, trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 sắp tới, ông Phạm Văn Thủy cho biết, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã làm việc cùng các địa phương, cơ quan quản lý du lịch tại các địa phương để phối hợp chặt chẽ cùng các doanh nghiệp du lịch nhằm thu hút du khách. Để đạt được mục tiêu 18 triệu lượt khách quốc tế và 110 triệu khách du lịch nội địa trong năm nay, ngành du lịch đã lên kế hoạch phối hợp cùng các bộ, ngành khác tạo thuận lợi cho người dân và khách du lịch di chuyển dịp lễ, tránh ách tắc; nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ chân du khách.