Giá xăng dầu, điện tác động trái chiều tới CPI 6 tháng đầu năm
Đáng chú ý, trong khi việc tăng giá lẻ điện bình quân 8,36% vào ngày 20/3/2019 được cho là nhân tố tác động mạnh đến tăng trưởng và lạm phát năm nay, thì giá xăng dầu lại có ảnh hưởng ngược lại, làm giảm CPI và hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,64% so với bình quân cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong 3 trở lại đây. Góp vào mức tăng thấp này, giá xăng dầu dầu giảm 3,55% đã tác động giảm 0,15% CPI chung.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện sinh hoạt ngày 20/3, cùng với nhu cầu tiêu dùng điện tăng trong quý II/2019 do thời tiết nắng nóng, đã làm cho giá điện sinh hoạt 6 tháng đầu năm 2019 tăng 5,84% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Công thương trong báo cáo Thủ tướng về điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2019 từng cho biết phương án điều chỉnh giá điện làm tăng CPI trong khoảng từ 0,26 - 0,31%, làm tăng chỉ số sản xuất (PPI) trong khoảng từ 0,15 - 0,19% và làm giảm GDP trong khoảng từ 0,22 - 0,25%.
Nhận định về tình hình giá xăng dầu 6 tháng còn lại của năm, các chuyên gia tại hội thảo cho biết giá xăng dầu thế giới có xu hướng biến động phức tạp do chịu ảnh hưởng lớn từ biến động địa chính trị thế giới. Tuy nhiên, theo dự đoán của các tổ chức dầu, rất có thể giá xăng dầu tiếp tục giảm nhẹ vào cuối năm.
Do đó, với tinh thần chủ động theo dõi, phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, tính toán điều hành giá cả hàng hóa, dịch vụ công y tế, giáo dục theo tín hiệu của thị trường, minh bạch và cung cấp thông tin kịp thời cho xã hội thì việc kiểm soát lạm phát năm 2019 ở mức từ 3,6 - 3,9% là điều khả thi.
Mặc dù các chuyên gia khẳng định về tổng thể, để giữ mức CPI bình quân năm 2019 ở mức dưới 4% vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát nhưng Chính phủ vẫn cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt để không mất cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ và xảy ra các tệ nạn hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an sinh xã hội...