Giá xăng dầu tăng cao, doanh nghiệp cần hỗ trợ kịp thời
Ảnh minh họa |
Theo quyết định điều hành giá của liên Bộ Công Thương - Tài chính, tại kỳ điều hành ngày 1/3, mỗi lít xăng E5 RON 92 có giá 26.070 đồng/lít (tăng 540 đồng), RON 95 là 26.830 đồng/lít (tăng 550 đồng), dầu hoả là 19.970 đồng/lít (tăng 470 đồng), dầu diesel là 21.310 đồng/lít (tăng 510 đồng), dầu madut là 18.460 đồng/kg, tăng 530 đồng. Như vâỵ, so với cuối năm 2021, mỗi lít xăng, dầu đã tăng từ 2.720 - 4.030 đồng.
Bỏ thì thua còn vương thì tội...
Giá xăng tăng liên tiếp trong thời gian qua đã khiến không ít người dân, doanh nghiệp lao đao, nhất là những người hoạt động trong lĩnh vực vận tải. Anh Đinh Quang Thịnh, chủ nhà xe tuyến Hà Nội - Ninh Bình cho biết, giá xăng dầu tăng càng khiến việc kinh doanh thêm khó khăn. Kể từ sau hết giãn cách vì dịch Covid-19, doanh nghiệp bắt đầu chạy 3 chuyến/ngày, bình quân mỗi xe chỉ có 4-7 khách.
"Thời buổi khó khăn, nhà xe chẳng nỡ tăng giá vé nhưng xăng tăng cao cộng thêm phí đường bộ, lương tài xế, nhân viên thì càng chạy càng lỗ, bỏ chuyến để cắt lỗ thì lại mất khách ngay, thành ra bỏ thì thua còn vương thì tội", anh Thịnh nói.
Không chỉ nhà xe, những người hành nghề xe ôm cũng không khỏi "thấp thỏm" khi xăng càng tăng thì thu nhập của họ sẽ càng giảm. Anh Nguyễn Mạnh Cường, lái xe ôm tại TP. Hà Nội cho biết, anh mất việc đã gần 3 tháng nay, nguồn thu nhập chính trong những ngày này phụ thuộc vào công việc xe ôm và ship hàng.
"Trước kia, mỗi lần đổ xăng chỉ mất khoảng 80.000 đồng là đầy bình nhưng giờ phải mất gần 110.000 đồng, đổ 1 lần có thể chênh lệch ít nhưng nhiều lần trong một tháng cũng thành một con số lớn. Số tiền chênh lệch tài xế phải tự chịu vì khách vẫn đặt được chuyến xe với giá như bình thường còn phí trả cho chủ app vẫn giữ nguyên".
Không chỉ ngành vận tải, người dân, doanh nghiệp ở các ngành nghề khác cũng bị ảnh hưởng. Một chủ vườn Thanh Long tại Long An cho biết, giá thanh long đã chạm đáy 5.000 đồng/kg. Có thương lái kể rằng, xăng tăng giá khiến giá vận chuyển một container 20 tấn đã tăng thêm hơn 30 triệu đồng, lên mức hơn 100 triệu đồng/chuyến, buộc các thương lái phải ép giá sản phẩm thu mua tại vườn xuống thấp, người nông dân vô tình lại chịu ảnh hưởng vì áp lực tăng giá xăng.
Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Vũ Vinh Phú, Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, hiện giá thực phẩm, rau xanh, hàng hóa tiêu dùng… đang có xu hướng gia tăng và đặc biệt là giá xăng dầu gần đây liên tiếp tăng “phi mã”. Hiện giá xăng, dầu ở mức cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu dùng của người dân, tác động tới các ngành vận tải, làm tăng chi phí lưu thông, đẩy chi phí sản xuất doanh nghiệp lên cao, nên chắc chắn sẽ gây áp lực lớn với lạm phát thời gian tới.
Giảm thuế là giải pháp được quan tâm
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc taxi Mai Linh miền Bắc, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp vận tải vẫn chưa thể khôi phục hoạt động hoàn toàn, riêng vận tải hành khách đường bộ chỉ hoạt động 30% công suất. Trong khi đó, giá xăng dầu chiếm 35-40% giá thành vận tải nên việc tăng giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cước vận tải. Do vậy, dự báo các hãng taxi sẽ phải tăng giá cước để cân đối thu chi, nhưng tăng vào thời điểm nào, mức tăng như thế nào thì cần thời gian để nghiên cứu và đánh giá tình hình.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vận tải trong thời điểm giá xăng dầu tăng cao, một số chuyên gia đề xuất, các cơ quan quản lý Nhà nước cần xem xét tiếp tục giảm thêm phí cho xe vận tải hàng hóa và miễn phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách, thay vì giảm 30% để kích cầu cho các doanh nghiệp vận tải như quy định hiện hành. Ngoài ra, các bộ, ngành khác cũng cần có cơ chế để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, như vậy mới mong phục hồi được sản xuất, hoạt động kinh tế.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng mức thu loại thuế bảo vệ môi trường qua xăng dầu đang khá lớn. Ngay với loại xăng sinh học bảo vệ môi trường là xăng E5 cũng bị áp mức thuế này. Vì vậy, muốn khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng xăng thân thiện môi trường thì cần có chính sách hỗ trợ hợp lý như miễn hoặc tạm dừng việc thu phí bảo vệ môi trường đối với xăng E5 để người dân, doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn.
Trước những mong mỏi của người dân và doanh nghiệp, mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách thuế đối với mặt hàng xăng dầu. Hiện xăng dầu chỉ chịu các loại thuế, không thu phí và lệ phí nộp ngân sách. Các khoản thuế xăng dầu gồm thuế nhập khẩu với xăng dầu nhập khẩu; thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ thu đối với xăng, không thu với dầu và thuế bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, chia sẻ với báo chí, đại diện Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, chính sách thuế nói chung, chính sách thuế đối với mặt hàng xăng dầu nói riêng được quy định trong các luật thuế, nên việc điều chỉnh cần được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng các tác động có liên quan, cũng như cần đảm bảo sự ổn định của chính sách.