Giá xăng tăng, sản xuất kinh doanh khó chồng khó
[Infographic] Giá xăng tăng mạnh trong phiên điều hành 21/7 [Infographic] Giá xăng lại tăng trong phiên điều hành 5/9 |
Trong khi đó, giá dầu diesel tăng 539 đồng/lít, lên mốc 23.594 đồng/lít; giá dầu hỏa tăng 628 đồng/lít, lên mốc 23.816 đồng/lít và giá dầu mazut tăng tăng 143 đồng/kg, lên mốc 17.847 đồng/kg. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá xăng đã trải qua 27 lần điều chỉnh, trong đó có 17 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên. Theo Bộ Công thương, lần điều chỉnh chiều 21/9 là theo chu kỳ thông thường 10 ngày và việc giá xăng dầu tăng là do nguyên nhân khách quan từ tác động của giá xăng dầu thế giới và tại kỳ này, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng hàng loạt và nhà điều hành không yêu cầu trích lập vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu mà chi sử dụng quỹ với tất cả các mặt hàng, trừ dầu mazut, ở mức 300 đồng/lít. Giá xăng, dầu tăng đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Bà Lê Thị Thư Hà, Phó tổng giám đốc CTCP Du lịch Hòa Bình Việt Nam cho biết, hiện nay hoạt động sản xuất kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực ngành nghề đang gặp khó khăn do nhu cầu sụt giảm, nguồn tiền hạn hẹp. Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, chi phí xăng dầu, vận chuyển chiếm đến 40 - 50% giá thành dịch vụ. Đã thế, từ đầu năm đến nay giá xăng biến động liên tục theo chiều hướng tăng và tăng mạnh nhất ở chu kỳ cuối tháng 9 gần đây với mức giá có thể coi là quá cao so với khả năng chịu đựng của nhiều doanh nghiệp
“Theo quy luật thông thường, giá xăng tăng nhiều và liên tục sẽ hình thành lên một mặt bằng giá mới. Tuy nhiên, với đặc thù của ngành nghề dịch vụ du lịch phục vụ khách hàng theo những hợp đồng và đơn hàng ký từ trước nên không thể tùy tiện tăng giá ngay lập tức mỗi khi giá xăng dầu điều chỉnh. Chính vì vậy, không ít doanh nghiệp phải chấp nhận thua lỗ ngay cả khi có hợp đồng, đơn hàng. Câu chuyện lợi nhuận, kinh doanh trong bối cảnh xăng tăng, điện tăng càng như muốn “bóp nghẹt” doanh nghiệp”, bà Hà chia sẻ.
Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Minh Thức, chủ doanh nghiệp tư nhân xay xát, kinh doanh lúa gạo tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho rằng, hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp lớn nhỏ ở nhiều lĩnh vực ngành nghề đều mong muốn được ổn định để cầm cự sản xuất kinh doanh trong bối cảnh vật giá leo thang hiện nay. Để thu hút khách hàng, nhiều chủ vựa lúa gạo cạnh tranh bằng cách vận chuyển hàng đến tận nơi cho khách. Nhưng khi giá xăng dầu tăng quá cao, phần lớn chủ các doanh nghiệp chỉ còn cách thương lượng với khách hàng để giảm bớt một phần gánh nặng.
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2023 so với tháng trước tăng 0,88% (khu vực thành thị tăng 0,87%; khu vực nông thôn tăng 0,89%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước. Riêng nhóm giao thông có mức tăng cao nhất (+) 3,85% làm CPI chung tăng 0,37 điểm phần trăm, chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 01/8/2023, 11/8/2023 và 21/8/2023 làm cho giá xăng tăng 9,85% so với tháng trước; giá dầu diezen tăng 15,9%. Dẫn đến giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,79% so với tháng trước, trong đó giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 15,71%; đường sắt tăng 3,58%; đường bộ tăng 0,68%; vé xe buýt tăng 0,53%; taxi tăng 0,1%...
“Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, quan trọng, có tác động ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh và mặt bằng giá cả hàng hóa. Giá xăng dầu tăng mạnh có thể tác động tới CPI của nền kinh tế. Việc điều hành giá xăng dầu phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp, đặc biệt đảm bảo sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Nhất là trong bối cảnh, người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế đang gặp khó khăn, cơ quan chức năng cần thận trọng khi điều chỉnh giá xăng dầu. Nếu giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, Chính phủ có thể dùng biện pháp can thiệp như tính toán thuế, phí nhằm điều tiết, cũng như sử dụng quỹ trích lập dự phòng để bình ổn giá xăng dầu”, các chuyên gia khuyến nghị.