Giải ngân đầu tư công: Khó khăn còn rất lớn
Đã xuất hiện sự lo lắng
TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu giải ngân vốn đạt 10 - 12% tổng vốn đầu tư công năm 2024 trong quý I và 30% trong quý II. Tuy nhiên tính đến ngày 24/5, giải ngân mới đạt 6.705,2 tỷ đồng, tương đương 8,5% so với kế hoạch vốn năm 2024. Như vậy, sơ bộ đến hết tháng 5 - tức 2/3 chặng đường quý II - vốn giải ngân trên địa bàn mới chỉ đạt chỉ tiêu cho quý I, phản ánh diễn biến giải ngân đang rất chậm tại một trong những đầu tàu kinh tế cả nước và đây cũng là địa phương nằm trong nhóm 29 địa phương đang có giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.
Thi công Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội |
Theo báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, đến hết tháng 5/2024, tỷ lệ giải ngân trên cả nước ước đạt 148.284,757 tỷ đồng, bằng 22,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, phản ánh bức tranh không tệ bởi vẫn tương đương cùng kỳ năm 2023 (bằng 22,22% kế hoạch). Tuy nhiên, bên cạnh một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt, từ đó có được con số giải ngân trung bình của cả nước khá tích cực như trên thì vẫn còn 33 bộ, cơ quan trung ương và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân 5 tháng dưới mức trung bình, trong đó, đặc biệt có 4 bộ, cơ quan trung ương đến nay chưa giải ngân được đồng vốn nào (tỷ lệ giải ngân là 0%). Đáng chú ý, trong con số giải ngân kể trên (148.284,757 tỷ đồng, bằng 22,34% kế hoạch), vốn trong nước giải ngân là 146.750,4 tỷ đồng (đạt 22,79% kế hoạch), còn vốn nước ngoài là 1.534,4 tỷ đồng (chỉ đạt 7,67% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong khi tỷ lệ này cùng kỳ năm 2023 là 12,02%).
Bên cạnh đó, thêm những dữ liệu không tích cực khác như: Còn khoảng 29,2 nghìn tỷ đồng (chiếm 4,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) vốn chưa phân bổ chi tiết; còn 5 bộ, cơ quan trung ương, 10 địa phương chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án sử dụng tăng thu ngân sách trung ương (NSTW) năm 2022; còn 6 địa phương chưa đề xuất điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn NSTW hoặc bố trí ngân sách địa phương (NSĐP) để thu hồi hoặc chưa thu hồi đủ vốn ứng trước…
Các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 và thực trạng giải ngân 5 tháng vừa qua có lẽ cũng không khác nhiều so với cùng kỳ các năm trước nếu nhìn vào tính chất đặc thù và các “công đoạn” của chi đầu tư (dẫn đến tỷ lệ giải ngân thường thấp những tháng đầu năm, tăng mạnh trong những tháng cuối năm). Tuy nhiên ở nhiều khâu, nếu công tác chuẩn bị tốt hơn, thủ tục nhanh hơn, cách làm quyết liệt hơn sẽ giúp quá trình giải ngân thuận lợi và hiệu quả hơn.
Tăng cường trách nhiệm của cán bộ với công tác giải ngân vốn
Bên cạnh đó, có những vấn đề, hiện tượng nổi lên gần đây rất cần được quan tâm xử lý sớm. Trong đó, đặc biệt là ở khâu tổ chức triển khai thực hiện ở nhiều nơi còn nhiều bất cập. Bởi cùng một mặt bằng pháp lý và quy định, nhưng có bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân tốt và ngược lại vẫn có những nơi có tỷ lệ giải ngân thấp. Điều này phần nào cho thấy, giải ngân sẽ khó tăng tốc khi các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa thực sự rõ nét. Gắn với đó là tình trạng còn những cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không thực hiện đầy đủ chức năng, quyền hạn trong thực thi công vụ gây ách tắc trong công tác tổ chức thực hiện, giải ngân vốn.
Kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024, một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh là quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, 03 chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của 5 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và 26 Tổ công tác của thành viên Chính phủ, phân bổ sớm số vốn đầu tư công còn lại. Báo cáo Quốc hội cho phép chủ động điều chỉnh kế hoạch vốn từ nơi chưa phân bổ, chậm giải ngân sang nơi giải ngân nhanh, có nhu cầu bổ sung vốn; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao. |
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức cũng là nội dung được rất nhiều đại biểu Quốc hội nêu ra và đề xuất trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Điều đáng mừng là mới đây, thay mặt Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đã ký ban hành Quy định số 148-QĐ/TW của Bộ Chính trị về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Theo đó, một trong những căn cứ để người đứng đầu ra quyết định tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới là cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công điện số 03/CĐ-BKHĐT gửi lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương về việc đẩy mạnh giải ngân, hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án sử dụng tăng thu NSTW năm 2022 và hoàn thành thu hồi toàn bộ vốn ứng trước theo quy định. Công điện số 03 nhấn mạnh, với 33 bộ, cơ quan trung ương và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn 5 tháng đầu năm 2024 dưới mức trung bình cả nước, đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trực thuộc thực hiện các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các dự án; kiên quyết thực hiện việc điều chuyển cán bộ đối với những cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, gây ách tắc trong việc thực hiện giải ngân vốn.
Cùng với đó, đề nghị xây dựng kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý cho từng nhiệm vụ, dự án; Phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và giải ngân của từng nhiệm vụ, dự án theo kế hoạch đã đặt ra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án; Kết quả giải ngân của từng nhiệm vụ, dự án được phân công theo dõi là căn cứ để đánh giá, bình xét thi đua của các cấp, các ngành và mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 người đứng đầu.