Giải ngân ODA chậm theo lý giải của Bộ Tài chính
Ảnh minh họa |
Theo số liệu các bộ báo cáo tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, cơ quan, địa phương về tình hình về thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, tính đến 31/10/2020 cả nước mới giải ngân được 30% vốn ODA.
Không có khối lượng để giải ngân
Tại Hội nghị nói trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chỉ ra một số nhóm nguyên nhân làm cho giải ngân vốn ODA chậm.
Nhóm nguyên nhân thứ nhất là do tác động của đại dịch Covid-19.
Nhóm nguyên nhân thứ hai là không có khối lượng hoàn thành để giải ngân, mà nguyên nhân nằm ở nhiều giai đoạn của dự án. Đó là dự án chưa hoàn thành thủ tục đàm phán nhưng đã được bố trí kế hoạch vốn nên không thể giải ngân. Cụ thể như dự án Thoát nước và xử lý nước thải TP. Hạ Long (vốn JICA), dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 4 tỉnh ven biển Bắc Trung bộ (vốn AFD)...
Cũng trong nhóm nguyên nhân này, có những dự án đã ký hiệp định vay và đã có hiệu lực, đã được bố trí kế hoạch vốn nhưng chưa hoàn tất các thủ tục đầu tư trong nước nên không thể giải ngân. Ví dụ như dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ tăng cường toàn diện tiểu vùng Mê Kông mở rộng - giai đoạn 2 (vốn ADB); dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập - tiểu dự án tỉnh Hải Dương và tỉnh Ninh Bình (vốn WB)...
Một số dự án chuẩn bị ký hiệp định vay, đã hoàn thành thủ tục đầu tư trong nước và được bố trí kế hoạch vốn nhưng chậm được Bộ Tư pháp thống nhất về ý kiến pháp lý như dự án Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long (vốn Áo).
Có những dự án đã được bố trí kế hoạch vốn, đã hoàn tất thủ tục đầu tư trong nước nhưng thủ tục đấu thầu kéo dài nên không thể triển khai. Có dự án đã được bố trí kế hoạch vốn nhưng đang phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và gia hạn thời hạn giải ngân nên không đủ cơ sở để giải ngân.
Một số dự án không có khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành nên không có hồ sơ thanh toán, không thể giải ngân; dự án đấu thầu và ký hợp đồng chưa đúng với quy định tại hiệp định vay.
Nhóm nguyên nhân thứ ba là do đặc thù của dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi. Trong đó, do quy trình quản lý dự án như mua sắm, đấu thầu, giải ngân của các nhà tài trợ là khác nhau; một số nhà tài trợ yêu cầu từng hợp đồng, gói thầu, hoạt động mua sắm, tuyển tư vấn phải có “ý kiến không phản đối” của nhà tài trợ. Thời gian cấp ý kiến không phản đối từ WB, ADB thường từ 3-6 ngày nhưng một số nhà tài trợ khác thời gian này kéo dài, có khi tới 4 tháng.
Một nguyên nhân gây chậm trễ nữa là các dự án sử dụng vốn vay ưu đãi, khi có điều chỉnh dự án, ngoài thực hiện các thủ tục trong nước còn phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh hiệp định vay với nhà tài trợ nước ngoài tương đối phức tạp. Đặc biệt đối với các hiệp định vay là các điều ước quốc tế thì còn phải báo cáo Chính phủ trình Chủ tịch nước phê duyệt.
Bộ Tài chính nói giải ngân 55%, theo WB chỉ là 1,7%, vì sao? Theo số liệu của Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay WB gần 700 triệu USD, đạt tỷ lệ 55% nhưng theo WB, tổng số giải ngân trên vốn cam kết mới đạt 1,7%. Giải thích về độ vênh tỷ lệ này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, đó là do khác biệt trong cách thức thống kê, khác biệt về thời điểm bắt đầu năm tài khóa. Năm tài khóa của WB tính từ ngày 1/7 năm nay đến hết 30/6 năm sau, JICA từ 1/4 năm nay đến 31/3 năm sau. Tính từ 1/7/2020 đến 30/9/2020 thì thời gian chỉ có 3 tháng nên tỷ lệ giải ngân theo cách tính của WB 3 tháng này là 1,7%. |
Khẩn trương hoàn tất các thủ tục để triển khai dự án
Để đảm bảo phối hợp hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp. Trong đó, đề xuất nhóm giải pháp thúc đẩy việc triển khai thực hiện dự án để có khối lượng hoàn thành cho giải ngân, Bộ đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, chủ dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục để triển khai dự án, khẩn trương giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc đấu thầu hợp đồng để có khối lượng hoàn thành, đủ điều kiện thanh toán.
Các bộ ngành, địa phương có trách nhiệm bố trí đủ vốn đối ứng để thanh toán theo dự toán được giao; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để giải quyết các vướng mắc phát sinh.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị đối với các dự án không sử dụng hết kế hoạch vốn được giao phải đề xuất cắt giảm. Đối với chương trình/dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, các bộ, ngành, địa phương báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương điều chỉnh đầu tư. Trong đó, riêng nhà tài trợ WB đã có 8 hiệp định vay hết hạn rút vốn năm 2020, 10 hiệp định vay hết hạn rút vốn năm 2021. Vì vậy, đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần đánh giá kỹ và kiến nghị kịp thời. Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư, cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ mới có căn cứ gia hạn, điều chỉnh hiệp định vay.
Về giải pháp hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ cho vay lại, Bộ trưởng cho biết Bộ Tài chính đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về dự thảo hợp đồng cho vay lại, đề nghị các tỉnh rà soát, khẩn trương ký hợp đồng cho vay lại để có cơ sở giải ngân cho dự án. Hiện nay còn 20 tỉnh, thành phố, Bộ Tài chính đã gửi văn bản đề nghị tham gia ý kiến về hợp đồng cho vay lại nhưng chưa có ý kiến trả lời.