Giải pháp kinh tế - xã hội 2024-2025: Cần giải ngân nhanh vốn đầu tư công
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp lớn phát huy tối đa vai trò tiên phong, dẫn dắt Ngân hàng đồng hành, tìm các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội |
Tuy nhiên, nước ta vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là những diễn biến bất định của thế giới. Vì vậy, các ý kiến cho rằng bên cạnh việc tiếp tục ổn định vĩ mô, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế và thúc đẩy tăng trưởng các đầu tàu tăng trưởng…
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề. Thứ nhất, tổng cầu phục hồi yếu, trong đó cầu tiêu dùng tăng thấp hơn kỳ vọng trong bối cảnh lạm phát chịu áp lực hơn trong những tháng cuối năm, đầu tư công và đầu tư tư nhân tăng chậm; tình trạng nhập siêu dịch vụ chưa được cải thiện.
Dẫn số liệu mới nhất, ông Thanh cho biết, tính chung 9 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) tăng 5,8%, thấp hơn so với mức tăng 7,8% của cùng kỳ năm 2023. Về đầu tư, vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước 9 tháng tăng 7,1%, bằng gần một nửa mức tăng trưởng của giai đoạn 2015 - 2019; vốn khu vực Nhà nước tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 15,1% của cùng kỳ năm 2023. Ước thanh toán giải ngân đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/8/2024 đạt 37,01% kế hoạch và đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 về tỷ lệ (đạt 39,55% kế hoạch và đạt 42,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), thấp hơn khoảng 25.000 tỷ đồng về số giải ngân tuyệt đối. “Đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, có giải pháp hiệu quả đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông Thanh nói.
TP. Hồ Chí Minh là một đầu tàu của tăng trưởng |
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, bình quân một tháng có 18,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường... Trong khi, thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn thách thức, nợ xấu ở mức cao.
Thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn. Cơ cấu sản phẩm trên thị trường thiếu cân đối khiến giá nhà chung cư ở phân khúc sơ cấp và thứ cấp bị đẩy lên cao, dẫn đến người có nhu cầu thực về nhà ở khó có khả năng tiếp cận.
Cùng với đó là một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả như chậm triển khai Quy hoạch điện lực quốc gia, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia. Nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tiếp tục là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội…
Đánh giá cao Chính phủ năm vừa qua đã hết sức nỗ lực và hoàn thành vượt hầu hết các chỉ tiêu Quốc hội giao, song Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, hiện nay thị trường bất động sản diễn biến rất phức tạp, giá nhà chung cư tăng rất cao, người có nhu cầu khó tiếp cận được với thị trường bất động sản. Bà Nga đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý thị trường bất động sản thông qua việc ban hành ngay hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cũng đưa ra một số lưu ý trong năm 2025 đó là nguy cơ thiếu điện. Ông cho rằng Luật Điện lực có thể thông qua sớm nhưng nếu không có chỉ đạo điều hành quyết liệt để sớm đưa thêm vào các dự án điện rất e rằng đến năm 2025 có thể lặp lại các hệ lụy của những năm trước. Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị Chính phủ cần quán triệt rất sâu sắc động lực mới cho phát triển kinh tế trong giai đoạn tới, đặc biệt là kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh thì đề nghị phải tìm cho ra nguyên nhân của tình trạng giải ngân vốn đầu tư công thấp để khắc phục từ gốc vấn đề, tránh tình trạng năm nào cũng nói là bất cập nhưng tình trạng cứ lặp lại. “Nhu cầu về nguồn vốn đầu tư rất cao, nhưng giải ngân không được thì rõ ràng mức độ hoàn thành nhiệm vụ của chúng ta phải xem lại”, ông Vinh bày tỏ.
Sau khi phân tích tình hình Trung Đông thời gian gần đây hết sức phức tạp, dự báo giá dầu có thể tăng lên đến 150 USD/thùng sẽ tác động rất lớn, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, vấn đề xung đột Nga - Ukraine còn có thể kéo dài, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, thời gian tới nước ta phải tiếp tục trong bối cảnh có rất nhiều thách thức cả bên trong và bên ngoài… Các tác động như vậy dẫn đến có thể có nguy cơ về khủng hoảng năng lượng, lương thực, thúc đẩy tăng giá trên thế giới, giá dầu và các giá các mặt hàng khác tăng lên, trong nước có áp lực tăng giá do tăng giá điện, tăng giá học phí, tăng lương vừa qua sẽ có nguy cơ đẩy lạm phát. Ông thống nhất với các giải pháp của Chính phủ đưa ra song nhấn mạnh đến giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế. Đồng thời với đó là giải pháp thúc đẩy tăng trưởng các đầu tàu tăng trưởng như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, các tập đoàn, tổng công ty lớn...