Giải pháp nào cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Trái phiếu phục hồi nhưng chưa thể lạc quan Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Hoàn thiện để tiệm cận với chuẩn mực quốc tế Thị trường TPDN từng bước lấy lại niềm tin cho phát triển dài hạn |
Từ bất cập quy mô nhỏ… áp lực trả nợ cao
Bàn về những vấn đề đặt ra cho thị trường TPDN Việt Nam hiện nay, các chuyên gia kinh tế cho biết, cơ cấu phát hành chủ yếu trên thị trường là chào bán riêng lẻ. Mặc dù quy mô TPDN lưu hành còn ở mức thấp so với các nước, nhưng hơn 95% giá trị phát hành và lưu hành hiện nay là phát hành riêng lẻ, mang nhiều bản chất của tín dụng dự án. Trong khi trái phiếu phát hành rộng rãi ra công chúng có chất lượng hơn và minh bạch hơn chỉ chiếm rất tỷ trọng rất nhỏ, ở mức dưới 5% tổng quy mô phát hành.
Cơ cấu phát hành chủ yếu tập trung ở một ít số ngành. Cụ thể, trong tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ đang lưu hành khoảng 923 nghìn tỷ đồng hiện nay, nếu loại trừ 304 nghìn tỷ đồng trái phiếu do ngân hàng phát hành, dư nợ TPDN riêng lẻ hiện nay tại Việt Nam là 619 nghìn tỷ đồng, hơn nửa trong số đó là trái phiếu bất động sản (323 nghìn tỷ đồng, chiếm 52%). Giá trị còn lại gồm thương mại và dịch vụ (13%), sản xuất (8%), và một tỷ lệ nhỏ các nhóm ngành khác.
Một vấn đề khác là áp lực nợ trái phiếu đáo hạn cao. Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Công ty cổ phần FiinRatings, mặc dù quy mô còn nhỏ so với các nước trong khu vực, tuy nhiên, do phát triển nóng trong giai đoạn 2018-2021 nên đã tạo áp lực lên dòng tiền của doanh nghiệp phát hành để đáp ứng khả năng chi trả đối với các trái phiếu đến hạn.
Khai thông nguồn vốn qua thị trường TPDN là một giải pháp quan trọng nhằm huy động nguồn lực |
Tổng giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn trong 2 quý cuối năm 2023 được ước tính ở mức 104,8 nghìn tỷ đồng, năm 2024 ở mức 288,1 nghìn tỷ đồng; và năm 2025 là 194,2 nghìn tỷ đồng. Đối với trái phiếu đáo hạn trong 2 quý cuối năm 2023, giá trị trái phiếu đến hạn của các doanh nghiệp bất động sản là 37,1 nghìn tỷ đồng và TCTD là 24 nghìn tỷ đồng, các doanh nghiệp sản xuất là 1,3 nghìn tỷ đồng, các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ là 22,4 nghìn tỷ đồng và lĩnh vực khác là 20 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, để giải quyết dòng tiền chi trả cho trái phiếu đáo hạn là khá khó khăn. Theo FiinRatings, đến giữa năm 2023, đã có 118 tổ chức phát hành (TCPH) có một hoặc nhiều hơn lô trái phiếu lưu hành đã không thể đáp ứng nghĩa vụ nợ với tổng giá trị 165 nghìn tỷ đồng (bao gồm 109 nghìn tỷ đồng TPDN chậm trả đã đáo hạn từ 2022), chiếm 11,8% giá trị TPDN đang lưu hành. Trong tổng số 165 TCPH chậm trả, có 55 TCPH là doanh nghiệp trong ngành bất động sản với tổng giá trị TPDN chậm trả nợ ở mức 117 nghìn tỷ VND, chiếm 71% với tổng giá TPDN của các doanh nghiệp chậm trả nợ trái phiếu…
Minh bạch để phát triển bền vững
Để thị trường TPDN Việt Nam phát triển lành mạnh, bền vững, nhằm góp phần khai thông kênh huy động vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp, qua đó góp phần phát triển kinh tế trong các năm tới, các chuyên gia kinh tế cho rằng giải pháp đặt ra không chỉ tập trung vào cải thiện phía cung của thị trường, bao gồm các giải pháp cải thiện và chuẩn hóa đối tượng phát hành, nền tảng trung gian của thị trường… mà quan trọng hơn là các giải pháp “kích cầu” cho thị trường qua việc phát triển và đa dạng hóa cơ sở NĐT cho thị trường này.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, đầu tiên cần cải thiện minh bạch thông tin theo hướng sửa đổi và hoàn thiện khung chính sách. Các quy định về công bố thông tin nên được chuẩn hóa hơn nữa và đơn giản hóa các thủ tục phê duyệt phát hành. Theo đó, công bố thông tin chào bán trái phiếu nên được cải thiện theo hướng bổ sung các thông tin đánh giá về khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ. Các trái phiếu chào bán ra công chúng nên được thực hiện xếp hạng tín nhiệm độc lập như thông lệ một số thị trường trái phiếu có mức độ phát triển cao hơn trong khu vực.
Cùng với đó, cần tháo gỡ những rào cản pháp lý nhằm phát triển cơ sở NĐT. Hiện cơ sở NĐT TPDN của Việt Nam chủ yếu tập trung vào NHTM và NĐT cá nhân. Sự tham gia của các định chế tổ chức bao gồm công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư trái phiếu rất hạn chế. TCTD vẫn là nhóm NĐT lớn trên thị trường vốn của Việt Nam, vì vậy, cơ quan quản lý nên xem xét mở rộng điều kiện tham gia việc mua bán TPDN theo hướng kiểm soát tỷ lệ an toàn vốn ngoài việc áp dụng tiêu chí đơn lẻ là phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% như hiện nay.
Bên cạnh đó là các chính sách để thu hút sự tham gia của các công ty bảo hiểm. Hiện ngành này đang quản lý số tiền đầu tư khoảng 30 tỷ USD, tuy nhiên, phần lớn tài sản của các công ty này và quỹ đầu tư bảo hiểm thuộc các công ty bảo hiểm hiện được phân bổ chủ yếu vào TPCP và tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Chỉ một phần rất nhỏ, khoảng dưới 15% trên tổng tài sản đầu tư của họ được phân bổ vào TPDN…
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng khác là đẩy mạnh chào bán TPDN rộng rãi ra công chúng, bởi nhiều năm qua, vốn doanh nghiệp huy động qua kênh chào bán trái phiếu rộng rãi ra công chúng chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn (dưới 5% tổng giá trị phát hành) trong khi nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội là rất lớn. Việt Nam đang thiếu một cơ chế huy động vốn trong dân để góp phần huy động vốn dài hạn cho phục vụ phát triển kinh tế.
Bên cạnh các giải pháp tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng cứng và mềm cho thị trường; đẩy mạnh cơ sở pháp lý cho trái phiếu xanh nhằm tận dụng nguồn vốn trong nước và quốc tế, một số chuyên gia kinh tế đề nghị xem xét thành lập Quỹ bảo lãnh TPDN.
Hiện trên thị trường TPDN đã có một số lô trái phiếu bảo lãnh thanh toán bởi NHTM và phần còn lại chủ yếu là bảo lãnh doanh nghiệp được thực hiện bởi công ty trong cùng một tập đoàn đối với tổ chức phát hành TPDN. Số lô TPDN được bảo lãnh thanh toán không nhiều nhưng đã giúp một số quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm dựa vào đó để đầu tư. Vì vậy, chúng ta nên cân nhắc hình thành khung pháp lý thành lập một số tổ chức cung cấp dịch vụ bảo lãnh tín dụng, trong đó có bảo lãnh trái phiếu được thực hiện ngoài các TCTD. Tổ chức bảo lãnh này có thể do tư nhân thành lập và hoạt động bởi các định chế tài chính - đầu tư lớn của Việt Nam và các tổ chức quốc tế.