Giải pháp nào để tránh lãng phí đất nông nghiệp?
Bỏ hoang vì thiếu nước
Những năm gần đây, tình trạng đất sản xuất nông nghiệp bị bỏ hoang ở nhiều địa phương gây lãng phí tài nguyên đất đã được cơ quan truyền thông phản ánh. Vấn đề này đã được chính quyền các địa phương vào cuộc xử lý, tìm giải pháp hỗ trợ nông dân tiếp tục hoạt động sản xuất. Thế nhưng, tình trạng vẫn chưa được cải thiện mấy. Nguyên nhân được xác định là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thiếu nước tưới, không thể canh tác.
Một thực tế khác cũng là nguyên nhân đang tồn tại tại một số địa phương, đó là nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp được chính quyền thu hồi để phục vụ các dự án đô thị hóa hoặc phục vụ sản xuất công nghiệp, song việc chậm triển khai dẫn đến đất thu hồi bị bỏ hoang hóa, gây lãng phí tài nguyên đất…
Nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên |
Đơn cử tại Đà Nẵng, hiện tại ở địa phương có hàng trăm hecta đất sản xuất nông nghiệp đang bị bỏ hoang hóa do thiếu nước tưới. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong vụ hè thu năm nay, diện tích đất nông nghiệp gieo sạ chỉ khoảng 2.360ha lúa, giảm hơn 260ha lúa so với vụ đông xuân. Nguyên nhân được xác định là do không chủ động được nguồn nước tưới.
Điển hình như, tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang), nhiều hecta đất sản xuất lúc không đảm bảo nguồn nước tưới nên các nông hộ không sản xuất vụ hè thu. Các hồ chứa phục vụ sản xuất như Tân An, Diêu Phong và Hóc Gối hiện đều đã xuống dưới mực chết. Trữ lượng nước còn lại ở hồ không đủ phục vụ việc gieo sạ lúa vụ hè thu năm 2020. Do đó, nhiều nông dân lực bất tòng tâm đành bỏ ruộng, không sản xuất.
Theo ông Nguyễn Tấn Phát, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn, trước tình hình này, chính quyền xã đã thông báo đến nông dân và động viên nông dân chuyển đổi sang trồng các cây trồng cạn như mè, đậu... để có thu nhập ổn định.
Còn Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng, ông Lê Văn Sâm chia sẻ, ngoài xã Hòa Nhơn, toàn bộ diện tích đồng ruộng thuộc phạm vi tưới của các hồ Phú Túc và Hố Lăng trên địa bàn xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang) cũng đang phải dừng sản xuất lúa trong vụ hè thu, bởi các hồ chứa nói trên đều khô cạn, dưới mực nước chết.
Trước thực trạng trên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang đề nghị các địa phương hướng dẫn các nông hộ chuyển đổi sang trồng các cây trồng cạn, dự kiến sẽ trồng mè khoảng 130ha. Cùng đó, đề nghị các địa phương, đơn vị chủ động các biện pháp tích nước và sử dụng nước hợp lý, hiệu quả trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, chú trọng triển khai phương án phòng chống hạn và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền tình hình khô hạn đến nông dân để nâng cao ý thức tiết kiệm nước, quản lý sử dụng và khai thác nguồn nước hiệu quả...
Ảnh hưởng bởi các dự án chậm tiến độ
Bên cạnh việc thiếu nước dẫn đến các diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang, trên địa bàn TP. Đà Nẵng còn tồn tại hàng trăm hecta đất nông nghiệp khác bị bỏ hoang do các dự án quy hoạch bị chậm tiến độ.
Trước tình hình này, trong tháng 5/2020 vừa qua, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung đã chủ trì phiên họp trực tuyến của Thường trực HĐND thành phố để nghe giải trình về kết quả rà soát đất nông nghiệp không sản xuất được.
Theo ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng, qua rà soát, phân loại diện tích đất nằm trong và ngoài ảnh hưởng của các dự án cho thấy, diện tích đất nông nghiệp không sản xuất được khoảng 348,44ha. Trong đó, chủ yếu tập trung ở huyện Hòa Vang 193,62ha; Ngũ Hành Sơn gần 62ha; Cẩm Lệ hơn 57ha; Liên Chiểu gần 37ha. Về hướng xử lý, hiện Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện về quy hoạch, thu hồi đất, đền bù giải tỏa đối với đất nông nghiệp không sản xuất được đã có chủ trương thu hồi.
Mặt khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, đơn vị liên quan kiểm tra đối với diện tích đất nông nghiệp khác để đề xuất giải pháp khôi phục sản xuất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định.
Còn Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Trần Chí Cường cho rằng, do thành phố đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, nên diện tích đất nông nghiệp không sản xuất được biến động thường xuyên, trong đó có nguyên nhân do nhiều dự án treo kéo dài.
Để giải quyết dứt điểm thực trạng trên, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện cần tập trung rà soát, thống kê, tham mưu phương án, lộ trình xử lý dứt điểm tình trạng đất nông nghiệp không sản xuất được.
Đồng thời, cần có báo cáo cụ thể với HĐND thành phố tại kỳ họp tới đây. Theo ông Trung, đất nông nghiệp không nằm trong diện thu hồi cần phải có giải pháp đưa vào sử dụng sản xuất, không để đất hoang hóa, gây lãng phí nguồn tài nguyên. Bên cạnh đó, cần phải xác định đất sản xuất được để có hướng hỗ trợ cho người dân sản xuất.
Đất nông nghiệp không sản xuất được cần phải có phương án cụ thể, lồng ghép vào mục đích thành đất gì để khớp nối quy hoạch. Còn đối với đất nông nghiệp nằm trong các dự án treo, thành phố phải sớm trả lời cụ thể cho người dân biết về tiến độ triển khai hay thu hồi dự án...