Giải phóng nguồn lực cho tăng trưởng
Chính phủ yêu cầu rà soát các quy định về thuế sử dụng đất khi áp dụng bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024 Sửa đổi luật Thuế giá trị gia tăng: Bảo đảm công bằng, tránh làm thất thu ngân sách |
Với Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi, dự kiến có 3 nhóm chính sách lớn, nổi bật là bổ sung cơ chế cho phép sử dụng vốn đầu tư phát triển của địa phương để hỗ trợ ngân sách trung ương, hỗ trợ các địa phương khác đầu tư dự án hạ tầng có tính chất vùng và liên vùng. Các chính sách này có tháo gỡ được các “điểm nghẽn” thực tế không, thưa Thứ trưởng?
Trên cơ sở chủ trương của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Bộ Tài chính cũng đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội bổ sung nội dung này trong Luật Ngân sách Nhà nước để làm sao huy động được nguồn ngân sách của các cấp, các địa phương tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng quan trọng, có tính chất liên vùng, liên tỉnh, liên quốc gia, thậm chí là quốc tế.
Chúng tôi đánh giá, nếu cơ chế này được giải quyết, sẽ tạo ra nguồn lực tổng thể, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả trung ương và địa phương để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm của đất nước; đóng góp vào sự phát triển của kinh tế - xã hội của từng địa phương, của vùng, của cả quốc gia, không những ở thời điểm hiện tại mà còn trong tương lai.
Điều này giúp giảm bớt tình trạng các dự án đợi vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh sắp tới chúng ta sẽ có những dự án mang tính chất liên vùng khi huy động được sức mạnh tổng thể của cả trung ương và các địa phương, không chia cắt ngân sách nhà nước trên cơ sở các dự án có tính chất động lực cho phát triển vùng, liên tỉnh, cả quốc gia.
Luật Quản lý thuế sửa đổi đề xuất sửa quy định về thẩm quyền quyết định hoàn thuế. Theo đó, đề xuất bổ sung thêm đối tượng quyết định hoàn thuế là Chi cục trưởng và Cục Thuế Doanh nghiệp lớn. Việc tăng cường phân cấp, phân quyền này có giúp việc hoàn thuế được nhanh chóng hơn trước không, thưa Thứ trưởng?
Theo Luật Quản lý thuế hiện hành, chỉ có Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền xem xét, quyết định hoàn thuế. Nhưng thực tế, chúng ta lại thực hiện việc thu thuế, xử lý hồ sơ thuế không chỉ ở Cục Thuế mà ở cả các Chi cục Thuế. Nếu thực hiện hoàn thuế như quy định hiện nay thì quy trình, thủ tục và phối hợp giữa Cục Thuế với Chi cục Thuế trong xử lý hoàn thuế có thể mất nhiều thời gian hơn. Nhưng khi thực hiện phân cấp cho các Chi cục thuế và Chi cục trưởng Chi cục thuế có thẩm quyền xem xét, hoàn thuế đối với những hồ sơ thuế mà chính mình được giao quản lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian xem xét hoàn thuế, nâng cao trách nhiệm của cấp quản lý thuế trực tiếp người nộp thuế. Chúng tôi nghĩ rằng đó là mục tiêu đúng đắn.
Bên cạnh đó, khi thực hiện phân cấp, phân quyền, phải tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện tại các Cục Thuế, Chi cục thuế, đồng thời nâng cao năng lực, trình độ cho các cán bộ thuế ở các Chi cục để thực hiện đúng các quy định của pháp luật, tránh rủi ro phát sinh hoặc trục lợi trong quá trình hoàn thuế. Chúng tôi cũng đề xuất nội dung này trong sửa Luật Quản lý thuế.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang nỗ lực để được nâng hạng, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đề xuất quy định nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu phát hành riêng lẻ. Thay đổi này có tác động thế nào tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN)?
Đối với nhà đầu tư cá nhân, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán hiện đang quy định theo hướng tôn trọng quyền đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường. Do đó, Bộ Tài chính không đề xuất sửa các nội dung liên quan đến quyền đầu tư của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường, nhà đầu tư cá nhân được quyền đầu tư tất cả các loại TPDN riêng lẻ. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường, hạn chế rủi ro và đảm bảo quyền lợi trong hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường TPDN riêng lẻ, khắc phục những hạn chế của thị trường TPDN riêng lẻ trong thời gian qua, dự thảo Luật bổ sung quy định theo hướng nâng chất lượng của trái phiếu.
Chúng tôi cũng đề xuất sửa đổi quy trình quyết định phát hành TPDN ra công chúng nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp đủ điều kiện được nhanh chóng xem xét, cấp chứng nhận phát hành trái phiếu ra công chúng huy động vốn. Đối với trái phiếu phát hành ra công chúng, tất cả các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức không phân biệt là chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp đều có thể tham gia.
Các chính sách mới đưa ra cần phải có thời gian để thị trường có sự thích ứng. Do đó, những quy định này chúng tôi dự kiến trình Quốc hội cho phép có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.
Tôi tin tưởng rằng, với những đề xuất của Bộ Tài chính, thị trường chứng khoán, thị trường vốn, đặc biệt là thị trường TPDN sẽ phát triển bền vững, minh bạch, nâng cao chất lượng TPDN phát hành riêng lẻ, thúc đẩy các doanh nghiệp công khai, minh bạch thông tin, góp phần cải thiện niềm tin của nhà đầu tư, từ đó, thu hút nguồn vốn đầu tư cho các doanh nghiệp.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!